(Xây dựng) – Khu vực bãi giữa sông Hồng là nơi có diện tích đất đai rộng lớn, một lợi thế mà thiên nhiên ban tặng Hà Nội. Trên khu vực này hiện đang là nơi sinh sống của nhiều xóm ngụ cư xập xệ, tạm bợ, chỗ trồng trọt thời vụ…
|
Toàn cảnh bãi giữa sông Hồng, khu vực chân cầu Long Biên tới chân cầu Chương Dương. |
Bãi bồi giữa sông Hồng (còn gọi là bãi giữa) là vùng đất được phù sa bồi đắp, thuộc địa giới quản lý của nhiều quận, huyện. Tuy nhiên khu vực có giá trị cảnh quan và phát triển văn hóa, đô thị nhất phải kể đến diện tích bãi giữa thuộc phường: Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ); Phúc Xá (quận Ba Đình); Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm); Ngọc Thụy (quận Long Biên)…
|
Bãi giữa là khu đất rộng lớn đã không có nước chảy qua hàng chục năm nay. |
|
Bãi giữa sở hữu không gian xanh tự nhiên, rộng lớn có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển, có thể xây dựng một khu sinh thái nhằm phục vụ cộng đồng. |
|
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, một số quỹ đất tại khu vực bãi giữa được xây dựng trở thành khu vui chơi, nhà hàng, nhà vườn… nhằm mục đích kinh doanh. |
|
Xung quanh khu vực ven bãi giữa sông Hồng vẫn trong tình trạng ngổn ngang, thiếu sự quản lý. Thực trạng người dân lấn chiếm diện tích đất bãi giữa sông Hồng để xây dựng với mục đích cá nhân vẫn diễn ra trong nhiều năm nay. |
|
Khu vực bãi giữa cũng là nơi có diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 70%. Đây là nơi trồng trọt, canh tác và chăn nuôi của nhiều hộ dân. |
Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân sống gần đó cho biết: “Đường đi xuống nơi trồng trọt khá khó đi lại. Muốn di chuyển vào đây, mỗi ngày, tôi phải đạp xe lên cầu Long Biên rồi đi xuống con dốc dựng đứng ở bên mạn cầu. Sau đó, tiếp tục len lỏi vào các con đường nhỏ hẹp để đến được nơi trồng trọt”.
|
Đây cũng là nơi sinh sống nhiều năm của các hộ gia đình được gọi là “Xóm phao" - một xóm ngụ cư ven sông của hầu hết những người định cư mà không giấy tờ tùy thân, không định danh. |
|
Cuộc sống của người dân trên những con thuyền trôi nổi trên sông Hồng. |
|
Hệ sinh thái tại khu vực bãi ven sông Hồng bao gồm vườn nhãn Long Biên nằm ở dưới chân cầu Vĩnh Tuy, cuối phố Thạch Cầu. Với vị trí cách trung tâm thành phố chỉ vài km, đường đi rất thuận tiện, nơi đây trở thành nơi diễn ra các hoạt động tham quan, cắm trại, bơi lội… tự phát của người dân. |
|
Do nhu cầu về không gian, nhu cầu vui chơi, khám phá, hằng ngày có hàng trăm lượt người xuống bãi giữa sông Hồng. |
|
Theo các chuyên gia, cần có sự quản lý đồng bộ trong việc khai thác và sử dụng quỹ đất khu vực bãi giữa sông Hồng; từng bước triển khai quy hoạch, xây dựng cải tạo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tôn trọng cảnh quan thiên nhiên nơi đây, tránh bê tông hóa để bảo vệ hệ sinh thái; quy hoạch cảnh quan thích ứng thủy văn của sông Hồng, khai thác tối ưu cảnh quan môi trường tự nhiên… |