(Xây dựng) - Những hình ảnh được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội như minh chứng cho sức tàn phá kinh hoàng của giông bão đổ bộ các tỉnh miền Trung hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua là cảnh những mái tôn lợp các công trình xây dựng dân dụng rộng vài chục mét vuông bị gió bão tốc lên, giật phăng và quăng xuống như thể... tờ giấy.
Trong cuồng phong của bão là vậy, còn trên thực tế ngay cả trong điều kiện bình thường, đôi khi chỉ cần 1 cơn giông lốc cũng có thể trở thành tai họa từ trên trời rơi xuống mà nguyên nhân bắt đầu từ... chiếc mái tôn.
Mái tôn nằm ngổn ngang tại một tuyến đường của thành phố Quảng Ngãi (Ảnh: ĐT). |
Tôn lợp - diện mạo mái phố
Mái tôn là vật liệu xây dựng dùng để lợp mái nhà, giúp bảo vệ công trình, nhà ở khỏi những yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài. Trên thị trường hiện nay, mái tôn được bán với mẫu mã đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhiều đối tượng khác nhau như tôn lạnh, tôn kẽm, tôn cách nhiệt, tôn lợp giả ngói, tôn cán sóng… Tôn có thể có 1, 2 hoặc 3 lớp với chất liệu bằng nhôm, inox, thép.
Giá của mái tôn rất rẻ, có nhiều ưu điểm vượt trội như chống cháy, chống nóng tốt, độ bền lâu với tuổi thọ từ 10 - 30 năm, tháo dỡ dễ dàng, tính linh động và tính thẩm mỹ cao, có thể sửa chữa nhanh chóng, thi công không mất nhiều thời gian, công sức.
Mái tôn được người dân mua và sử dụng phổ biến ở cả vùng nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, loại vật liệu xây dựng này đặc biệt được yêu thích và lắp cho nhiều ngôi nhà cấp 4 ở nông thôn.
Hiểm họa tiềm tàng
Tuy có nhiều ưu điểm nhưng mái tôn vẫn ẩn chứa nhiều hiểm họa khôn lường. Vào thời điểm bão chồng bão tại các tỉnh miền Trung, rất nhiều tấm mái tôn của nhà dân, trường học, trạm y tế, nhà xưởng và các cơ quan đã bị tốc, thổi bay đi nơi khác hoặc rơi đè lên nhà người dân, thậm chí nhiều mái tôn còn nằm rải rác trên đường phố. Chúng không chịu nổi những đợt gió mạnh của bão mặc dù trước đó, người dân đã thực hiện gia cố mái tôn với nhiều biện pháp khác nhau.
Điển hình là ở Quảng Ngãi sau khi bão số 9 đi qua, mái tôn nằm rải rác, chỏng trơ trên nhiều tuyến đường. Cụ thể, theo thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên thai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 29/10, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 84.499 nhà ở, 151 điểm trường, 326 cơ sở y tế, cơ quan bị tốc mái, hư hỏng.
Hay như trường hợp mưa giông lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh gần đây, gió lốc mạnh đã làm dãy nhà B, vốn là khu phòng học học sinh của trường THPT Bình Phú (đường Trần Văn Kiểu, phường 10, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) bị tốc mái, thổi bay, nằm ngổn ngang dưới sân trường. Phần mái bị hư hỏng có diện tích hơn 350m2. Vụ việc khiến trần nhà của các phòng học sập xuống, nhiều đồ đạc, tài sản của nhà trường cũng bị hư hỏng do gạch đá đè lên. May mắn vào thời điểm xảy ra, không có học sinh tại trường.
Mái tôn của trường THPT Bình Phú (Thành phố Hồ Chí Minh) bị gió bão thổi bay vào ngày 29/10 vừa qua (Ảnh: TK). |
Nước ta vốn nằm trong khu vực hay xảy ra mưa giông, bão lũ nên tình trạng tốc mái diễn ra rất nhiều lần. Điều này gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản, thậm chí là tính mạng con người. Nếu như những tấm mái tôn này rơi xuống, chúng có thể lao vào người đi đường, gây thương tích và làm hư hỏng phương tiện giao thông. Trong một số trường hợp, mái tôn có thể khiến họ tử vong nếu bị rơi trúng vào người.
Điển hình như vụ tốc mái tôn ở đê Yên Phụ trong cơn giông chiều 13/05 trước sự chứng kiến của nhiều người. Dù không có thiệt hại về người nhưng nhiều người đang lưu thông trên đường thời điểm đó bất lực hứng chịu cả tấm tôn đè xuống làm mũ bảo hiểm vỡ nát.
Phía sau rủi ro: Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước việc mái tôn bị tốc, bay và rơi trúng người gây thương tích hoặc bay sang nhà người khác gây tổn thất, nhiều người đã đặt ra câu hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Luật sư Hoàng Nguyên Bình - Văn phòng luật sư Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Đồng thời, Điều 605 của luật này cũng quy định: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Trừ trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ở đây, theo Điều 156 của Bộ luật Dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Các hiện tượng thiên nhiên như mưa, lũ, hỏa hoạn, bão, sóng thần, núi lửa phun trào... hoàn toàn là những sự kiện bất khả kháng được thống nhất áp dụng.
Nếu xét theo quy định của luật, chủ nhà hoàn toàn nhận thức được nếu mái tôn không được gia cố cẩn thận, có thể rơi xuống trong điều kiện mưa bão hoặc gió mạnh, gây thương tích cho người, gây hư hỏng, thiệt hại tài sản ở phía dưới, chủ nhà có thể phải bồi thường thiệt hại.
Mái tôn lớn rơi xuống đường khiến nhiều người đi trên đường Yên Phụ bị thương. |
Nếu xét theo tình hình thực tế, như ở các tỉnh miền Trung, chủ nhà đã làm mọi biện pháp để gia cố mái tôn chắc chắn, nhưng trong điều kiện thời tiết bão liên tục xảy ra, cùng một lúc nhiều mái tôn cùng tốc, bay và rơi xuống đường, gây thiệt hại về tài sản thì chủ nhà không phải bồi thường.
Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm của chủ sở hữu công trình phải kiểm soát chất lượng công trình thì các ngành chức năng cũng cần rà soát, kiểm tra, nhắc nhở các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, các công trình dân sinh... gia cố lại công trình trước mùa mưa bão cũng như sau khi bão đi qua.
Yến Mai
Theo