Thứ sáu 29/03/2024 09:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn tương đồng với các nước tiên tiến giúp sản phẩm của Việt Nam dễ dàng thâm nhập thị trường khó tính

20:00 | 21/12/2020

(Xây dựng) - Theo ông Nguyễn Lương Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng - CONINCO: Nếu Việt Nam có hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn tương đồng với các nước đối tác tiên tiến, các tiêu chuẩn Việt Nam đáp ứng các rào cản kỹ thuật của các nước tiến tiến thì các sản phẩm Việt Nam dễ dàng thâm nhập các thị trường khó tính.

he thong tieu chuan quy chuan tuong dong voi cac nuoc tien tien giup san pham cua viet nam de dang tham nhap thi truong kho tinh

PV: Xin ông cho biết vai trò của hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn trong tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế?

Ông Nguyễn Lương Bình: Tháng 1/2007, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và bắt buộc phải thực hiện cam kết trong hệ thống các hiệp định của tổ chức này. Trong đó, riêng lĩnh vực khoa học và công nghệ được điều chỉnh bởi các hiệp định như TRIPS (về sở hữu trí tuệ), TBT (hàng rào kỹ thuật trong thương mại), SPS (an toàn và vệ sinh động, thực vật).

Để chuẩn bị gia nhập WTO, năm 2006 Việt Nam đã có Luật số 68/2006/QH11 về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật này cũng được sửa đổi và bổ sung bằng Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018, đã chỉ rõ: Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng.

Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng…

Trong xuất nhập khẩu, có thể hiểu nếu quy chuẩn kỹ thuật như một rào cản kỹ thuật phù hợp với hiệp định TBT để tự vệ chính đáng, quy chuẩn kỹ thuật sẽ tập hợp các yêu cầu mang tính giới hạn (trên hoặc dưới) các mức, chỉ tiêu kỹ thuật hoặc viện dẫn đến các tiêu chuẩn hiện hành, các yêu cầu quản lý, thì tiêu chuẩn tuy tự nguyện áp dụng nhưng nó phản ánh trình độ khoa học công nghệ của một quốc gia và đáp ứng nhu cầu thị trường và định hướng phát triển của quốc gia đó.

Vì vậy, để tăng sức cạnh tranh mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quy chuẩn quốc tế và khu vực là tất yếu. Nếu Việt Nam có hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn tương đồng với các nước đối tác tiên tiến, các tiêu chuẩn Việt Nam đáp ứng các rào cản kỹ thuật của các nước tiến tiến thì các sản phẩm Việt Nam dễ dàng thâm nhập các thị trường khó tính.

PV: Đối với riêng lĩnh vực xây dựng thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Lương Bình: Được biết, tới năm 2020, Việt Nam có hơn 12.000 tiêu chuẩn, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam ở mức tương đối cao (năm 2019 đạt tới 54%), trong đó lĩnh vực có tỷ lệ hài hòa với quốc tế cao nhất là điện - điện tử và thực phẩm (>80%).

Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, có tới gần 1.600 tiêu chuẩn Việt Nam và theo kế hoạch 2020 - 2030, dự kiến chuyển đổi hơn 1.000 tiêu chuẩn Việt Nam từ nền tảng tiêu chuẩn Liên xô (Liên bang Nga) sang nền tảng tiêu chuẩn châu Âu. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế trong xây dựng của Việt Nam chưa cao. Nếu hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu hội nhập sẽ giúp doanh nghiệp tạo nền tảng chất lượng vững chắc, giúp cộng đồng doanh nghiệp khẳng định vị thế, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

PV: Thời gian qua, tại CONINCO, việc áp dụng những giải pháp về tiêu chuẩn quy chuẩn vào quy trình sản xuất đã đem lại những kết quả tích cực như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Lương Bình: Thứ nhất, giúp chúng tôi giảm chi phí thông qua cải thiện hệ thống và các quá trình tăng khả năng cạnh tranh. Với quy mô Công ty tư vấn lớn với hơn 1.000 người, gồm hơn hai mươi đơn vị, chi nhánh, phòng ban và nhiều Công ty nhượng quyền thương mại, Công ty liên kết, CONINCO đã áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 từ năm 2001. Các quy trình quản lý, các tài liệu mẫu dựa trên các tiêu chuẩn quy chuẩn và các quy định Nhà nước đã được ban hành và cập nhật hàng năm. Các hoạt động trên đã tạo điều kiện cho các đơn vị trong hệ thống CONINCO có thể nhanh chóng, kịp thời và thống nhất khi hoạt động tư vấn. Hiệu quả thực tế, hàng năm CONINCO ký và triển khai tới 500 hợp đồng tư vấn.

Thứ hai, việc đáp ứng nhanh chóng, kịp thời và thống nhất các yêu cầu của khách hàng và các sản phẩm tư vấn được kiểm soát theo quy trình ISO 9001 cũng góp phần tăng sự tin cậy của khách hàng.

Thứ ba, ngoài các dự án có vốn đầu tư trong nước, để tham gia các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức quốc tế, CONINCO phải thường xuyên tìm hiểu, cập nhật các tiêu chuẩn, yêu cầu của các tổ chức, nhà đầu tư Anh, Mỹ, Nhật Bản… từ đó tiếp cận được một số dự án có nguồn vốn ODA và FDI trong nước và bước đầu tham gia dự án nguồn vốn ODA tại Lào.

Thứ tư, CONINCO cũng đã chủ động cử cán bộ tham gia tập huấn, nghiên cứu QC 09/2017/BXD và trực tiếp áp dụng cho dự án trụ sở CONINCO, dự án này đã được Bộ Xây dựng và Chương trình pháp triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam cấp Chứng nhận: Ghi nhận nỗ lực triển khai giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả trong các hoạt động thiết kế và thi công công công trình. Ngoài ra với các dự án gần đây với vai trò tham gia thiết kế, lập dự án, CONINCO đã đưa ra các đề xuất các nội dung như sử dụng vật liệu, giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường.

Ngoài ra việc tuân thủ các tiêu chuẩn quy chuẩn, các yêu cầu về quản lý Nhà nước trong hoạt động xây dựng luôn là căn cứ, cơ sở cho các hoạt động tư vấn của CONINCO cũng góp phần tăng cường chất lượng cho các dự án CONINCO tham gia. CONINCO cũng là doanh nghiệp tư vấn tham gia tích cực trong việc biên soạn, góp ý các tiêu chuẩn quy chuẩn, chủ động biên soạn các tiêu chuẩn cơ sở của CONINCO.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Nga (Thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load