(Xây dựng) – Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang và Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư công nghệ Ecotech Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái và điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp.
Đại diện các bên liên quan ký Biên bản ghi nhớ thúc đẩy điện mặt trời áp mái (Ảnh: Huỳnh Kim/Thời báo kinh tế Sài Gòn). |
Mới đây, GreenID đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang và Công ty điện lực tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo chuyên đề “Kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”.
Hội thảo đã tập trung thảo luận về thực trạng, tiềm năng và các giải pháp để phát triển điện mặt trời áp mái tại Hậu Giang, đặc biệt là phát triển điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Toàn - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết, địa phương có số giờ nắng bình quân 2.200 – 2.500 giờ/năm và trung bình bức xạ từ năng lượng mặt trời khoảng 4,3 – 4,9 kWh/m2/ngày. Các chuyên gia đều đánh giá Hậu Giang có lượng bức xạ tốt và số giờ nắng cao nên rất thích hợp cho việc phát triển điện mặt trời.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hậu Giang đang thu hút 9 dự án điện mặt trời lớn, bao gồm 3 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch điện VII điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030. Ngoài ra, khoảng 96 nhà đầu tư đã tới Hậu Giang để tìm hiểu và xin phép đầu tư vào những dự án điện mặt trời ở các trang trại nông nghiệp với tổng công suất đăng ký là 212MW.
Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề (Ảnh: Phùng Dũng/Báo Nhân dân). |
Tính đến nay, Công ty Điện lực Hậu Giang đã cho phép 50 nhà đầu tư đấu nối đường dây lên lưới điện 22kV với tổng công suất 45MW. Bên cạnh đó còn có 563 hộ gia đình, nhà xưởng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 13.599 kWp.
Nhân dịp tổ chức Hội thảo lần này, GreenID, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang và Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư công nghệ Ecotech Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái và điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp.
Hiện nay, ngành Điện đang phải chịu nhiều áp lực để đảm bảo nguồn cung cấp điện. Do đó, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo có vai trò rất quan trọng để giải quyết bài toán an ninh năng lượng, đặc biệt là điện mặt trời và điện mặt trời áp mái.
Dịch Phong
Theo