Thứ ba 30/04/2024 05:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hậu Giang: Huy động mọi nguồn lực đầu tư để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá

15:31 | 13/10/2020

(Xây dựng) – Sáng 13/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chính thức khai mạc. 349 đại biểu đại diện cho trên 33 ngàn đảng viên của toàn Đảng bộ tỉnh tham dự Đại hội.

Đại hội vinh dự đón tiếp đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đến tham dự và chỉ đạo Đại hội; đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự Đại hội...

hau giang huy dong moi nguon luc dau tu de dat toc do tang truong kinh te kha
Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Đại hội (Ảnh Dân Việt).

Nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ khá, GRDP bình quân đạt 6,3%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt 49,96 triệu đồng/người, tăng gần 1,47% lần so đầu nhiệm kỳ. Đến nay, Hậu Giang có 355 dự án đầu tư, với tổng vớn đầu tư 127.623 tỷ đồng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 30 dự án với tổng vốn đăng ký 553 triệu USD. Trong 5 năm qua, Hậu Giang có thêm 3.000 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 15.000 tỷ đồng, tăng 76% về số doanh nghiệp và tăng 91% về vốn đăng ký so với nhiệm kỳ trước.

hau giang huy dong moi nguon luc dau tu de dat toc do tang truong kinh te kha
Đồng chí Lê Tiến Châu - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Thành tựu nổi bật của tỉnh Hậu Giang là hoàn thành sớm mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 32/51 xã, vượt chỉ tiêu Nghị quyết, chiếm 62,7% tổng số xã, có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác phát triển, nâng loại đô thị được chú trọng, xây dựng và thực hiện hoàn thành sớm hơn một năm so với chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ đề ra.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ tiếp túc phát triển; an sinh, phúc lợi xã hội, chăm lo gia đình có công với nước luôn được quan tâm và thực hiện kịp thời, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 2% năm; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 80% đứng đầu các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long…

Mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông ngiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá”.

Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5-7% năm; GRDP bình quân đầu người là 77-80 triệu đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng tỷ trọng khu vực II và III, đến năm 2025 khu vực I còn dưới 22%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn từ 99.000-100.000 tỷ đồng; số doanh nghiệp thành lập mới 1.000 doanh nghiệp; tổng thu ngân sách nhà nước (5 năm) từ 44.000-45.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ đạt 4.330 triệu USD; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 1%; tỷ lệ dân số ở thành thị sử dụng nước sạch 100%, nông thôn 85%...

Để thực hiện mục tiêu này, Hậu Giang đã đề ra ba nhiệm vụ đột phá là: Xây dựng hoàn thành và thực hiện nghiêm Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông thủy bộ quan trọng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh với các địa phương trong khu vực. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp.

Tập trung công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của địa phương, đặc biệt là hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác, dễ tiếp cận, chi phí thấp.

hau giang huy dong moi nguon luc dau tu de dat toc do tang truong kinh te kha
Toàn cảnh Đại hội.

Thực hiện cải các hành chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội; xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tinh gọn, hoạt động minh mạch, hiệu lực, hiệu quả với phương châm kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã biểu dương những nỗ lực cố gắng của Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua. Đồng thời, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Đảng bộ tỉnh Hậu Giang, trong thời gian tới là: “Đảng bộ tỉnh Hậu Giang cần xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và những hạn chế của địa phương trong mối tương quan của khu vực và cả nước để cụ thể hóa thành mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đổi mới toàn diện, phát triển kinh tế xã hội trong đó chú ý các giải pháp huy động các nguồn lực để phát triển, trọng tâm là 3 đột phá chiến lược: Hoàn thành xây dựng và thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trọng điểm, nhất là giao thông kết nối liên vùng và hạ tầng khu, cụm công nghiệp; Tập trung công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là hệ thống cơ chế, chính sách huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Chú trọng đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, nhất là lao động ở nông thôn.

Xác định công nghiệp là động lực, là đòn bẩy để phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, phát triển công nghiệp chế biến các nông sản có thế mạnh của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển nông nghiệp xanh, sạch theo chuỗi giá trị gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới; đồng thời tăng cường liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng, các viện, trường, các nhà khoa học. Phát triển các ngành dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch gắn với văn hóa đặc sắc của địa phương, đồng thời gắn với chuỗi giá trị sản phẩm du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long”.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load