Cổ phiếu bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó.
Tài chính, BĐS: Tiếp tục gặp khó
Dự đoán doanh thu các DN nhóm ngành tài chính, báo cáo của CTCK VBPS cho rằng, lợi nhuận của các NH như STB, ACB sẽ giảm từ 15-20% so với quý III. Theo nhận định của bà Dương Thu Hương - Tổng Thư ký Hiệp hội NH - trong một hội thảo phân tích và dự báo môi trường kinh doanh năm 2009 - cho rằng, ngành NH sẽ gặp khó khăn.
Tăng trưởng tín dụng trong năm tới được dự báo là khó có thể vượt qua con số 24% của năm nay. Nợ xấu NH nhiều khả năng sẽ bùng phát từ nửa cuối quý IV cũng làm NH thắt chặt hơn chính sách giải ngân.
Đánh giá của CTCK Bảo Việt trong một báo cáo mới đây cũng cho rằng, cho vay đối với xây dựng BĐS và cho vay BĐS sẽ khó có thể triển khai ít nhất đến hết quý I/2009. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn của các DN trong ngành XK cũng sẽ giảm trước viễn cảnh XK khó khăn (dự kiến tăng trưởng kim ngạch khó vượt qua 10% trong năm 2009). Điều này sẽ kéo theo kim ngạch NK giảm theo. NK tiêu dùng có thể tăng, song hiện chỉ chiếm hơn 10% giá trị NK.
Các CTCK, theo dự báo của VPBS, phần lớn sẽ có kết quả kinh doanh âm. Hai Cty HPC và BVS đều có báo cáo 9 tháng lỗ tương ứng 85,3 tỉ và hơn 300 tỉ đồng do trích lập quỹ dự phòng tài chính. Ngành bảo hiểm như BMI, PVI cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do sự suy giảm của TTCK và thiên tai diễn ra trong quý IV. Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III, các Cty thuộc ngành này phần lớn đã không đạt kế hoạch. BMI có số hoàn thành kế hoạch cao nhất là 80,78% do lãi đầu tư tăng và Cty liên doanh UIC chia lãi.
Đối với nhóm ngành BĐS, VPBS dự đoán quý IV/2008 và đầu năm 2009, doanh thu, lợi nhuận của ngành BĐS sẽ giảm từ 10-15% so với quý III. Chính vì vậy, hiện nay NH gần như vẫn nói "không" với cho vay BĐS. Bên cạnh đó, cuối năm là thời điểm nhiều hợp đồng vay vốn đầu tư BĐS đến kỳ hạn trả nợ cả gốc và lãi. Mặt khác, thị trường BĐS vẫn đang trong giai đoạn suy thoái. Tuy nhiên, không ngoại trừ có đột biến đối với một số Cty thuộc nhóm công trình hay được quyết toán vào cuối năm như SJS, SDT, SD9,... khả năng vẫn đạt lợi nhuận cao.
Các DN thuộc nhóm nguyên vật liệu cơ bản, hàng hóa và DV công nghiệp (phân ngành vận tải) cũng được xếp vào nhóm này. Bởi theo phân tích của VPBS, các Cty ngành nguyên liệu cơ bản sẽ là ngành chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực và đối mặt với nhiều khó khăn nhất trong quý IV/2008, thậm chí một số DN thuộc ngàng thép, gỗ sẽ có mức tăng trưởng thấp trong năm 2009.
Cước vận tải biển liên tiếp giảm từ 30-90% trong 3 tháng gần đây, sẽ làm giảm đáng kể doanh thu của các DN thuộc ngành này. Và theo dự báo của của các chuyên gia, trong 3 tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009, doanh thu, lợi nhuận của ngành vận tải sẽ giảm từ 8-12%, đặc biệt khó khăn với VNA, VNS, VSP; vận tải dầu khí có thể ít chịu ảnh hưởng hơn.
Y tế, công nghệ, DV tiện ích, dầu khí: Hoàn thành kế hoạch
Theo đánh giá, trong nhóm DV tiện ích và dược phẩm được dự báo sẽ hoàn thành kế hoạch năm (trừ PPC gặp bất lợi do biến động tỉ giá đồng JPY từ khoản vay năm 2006 với EVN (khoản vay JBIC) trị giá 50 tỉ JPY để xây dựng lại Nhà máy Phả Lại 2 và OPC bị ảnh hưởng mạnh ở quý III do thay đổi lại cách hạch toán doanh thu, dẫn tới khả năng thay đổi lại kế hoạch lợi nhuận năm).
Nhóm ngành công nghệ trên 2 sàn hiện tại có 8 Cty, trong đó có 2 Cty báo cáo kết quả kinh doanh quý III thua lỗ là VHG và TLC. SAM tuy 6 tháng đầu năm lỗ 65,5 tỉ, nhưng doanh thu quý III đạt 153 tỉ nên 9 tháng đầu năm doanh thu của Cty là 87.47 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá, một số Cty thuộc ngành này như SAM, TLC sẽ tiếp tục gặp khó khăn do ngành cáp vẫn bị ảnh hưởng mạnh.
Tiêu dùng, DV tiêu dùng: Tăng trưởng nhẹ
Nhóm ngành DV tiêu dùng đến hết quý III chỉ có duy nhất 1 Cty có kết quả kinh doanh thua lỗ là RIC - hoạt động trong lĩnh vực giải trí, với số lỗ lũy kế là 7,1 tỉ đồng. Các Cty khác đều có kết quả tốt, doanh thu 9 tháng cao hơn năm 2007 như: COM, PET, SFC, ST8, TCT, TNA, TSC, DAE. Trong đó, đặc biệt là PET có doanh thu 9 tháng tăng 63%; lợi nhuận vượt 57% so với năm 2007.
Dự báo của các chuyên gia này cho rằng, cuối năm 2008 và quý I/2009, mức tăng của nhóm các DN ngành này có thể từ 3-5% do nhu cầu tiêu dùng thời gian này tăng cao. Các DV hỗ trợ kinh doanh, thiết bị điện, máy móc công nghiệp, sản xuất bao bì đóng gói và hộp nhựa... trong ngành hàng hóa và DV công nghiệp dự báo sẽ giữ được mức tăng trưởng ổn định. CTCP sữa Vinamilk (VNM) đến thời điểm tháng 10 doanh thu đã đạt 7.076 tỉ đồng, hoàn thành 86% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 1.129 tỉ đồng, do đó đã đạt 99% kế hoạch năm.
Theo khuyến nghị của VPBS, NĐT cân nhắc danh mục đầu tư có thể lựa chọn những CP của các DN thuộc lĩnh vực ít liên quan đến hoạt động XNK do nhu cầu thế giới thu hẹp, giá cả nguyên vật liệu NK chịu nhiều biến động của giá cả thế giới.
Trong đó, có thể chú trọng vào các ngành ít chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như dược, dầu khí, DV tiêu dùng, DV tiện ích, công nghệ và hàng tiêu dùng. Các DN thuộc nhóm nguyên vật liệu cơ bản, tài chính, BĐS, hàng hóa và DV công nghiệp (chủ yếu là ngành vận tải) bị đánh giá là sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Nguồn: Lao Động
Theo baoxaydung.com.vn