Thứ hai 30/12/2024 23:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Hành nghề kiến trúc thời hội nhập: Nhiều thách thức

14:03 | 29/12/2015

(Xây dựng) - Hành nghề kiến trúc bối cảnh hội nhập đang là vấn đề thời sự, được giới kiến trúc sư (KTS) quan tâm hàng đầu. Nhất là khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Tuyên bố thành lập cộng đồng ASEAN vừa được thông qua, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực.

Thiếu chủ động

Trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nghề kiến trúc là 1 trong 8 ngành nghề được tự do di chuyển. Và với Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường dịch vụ đối với các dịch vụ kiến trúc, tư vấn kỹ thuật, quy hoạch và kiến trúc cảnh quan đô thị, xây dựng… Vậy là giới KTS đang và sẽ phải nhập “cuộc chơi” có sự cạnh tranh gay gắt.

Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn tỏ ra khá sốt ruột: Tại Việt Nam, trong giới KTS nói riêng, còn quá ít người hiểu biết về các hiệp định quốc tế đã ký, càng không hiểu gì về việc phải làm, việc gì sẽ xảy ra. Trong khi đó, các nước ASEAN khác đã xây dựng lộ trình hội nhập. Thị trường hành nghề kiến trúc tại Việt Nam đã có sự tham gia của các Cty kiến trúc đến từ Singapore, Malaysia, Thái Lan…

Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết: Số lượng KTS trong khu vực được công nhận là KTS ASEAN đã lên đến con số 1.000 mà Việt Nam mới chỉ có 9 KTS ASEAN. Nhiều KTS Việt Nam không có thông tin về vấn đề này, không biết và không có nhu cầu hội nhập. Cả nước mới chỉ có một Cty siêu nhỏ bắt đầu tham dự vào thị trường tư vấn tại Malaysia. Các Cty tư vấn kiến trúc Việt Nam đa phần là nhỏ hoặc siêu nhỏ, không đủ năng lực cạnh tranh nhưng cũng không có thông tin, không có chiến lược hội nhập. Hơn thế, chúng ta đang đương đầu với một tâm lý thụ động, tự ti của người hành nghề, đồng thời chứng kiến xu hướng “sính ngoại” của các nhà đầu tư, bao gồm cả cơ quan Nhà nước.

“Bức tranh hội nhập quốc tế lĩnh vực hành nghề kiến trúc chưa được chuẩn bị cả về nhận thức, chính sách, thông tin, tri thức, con người và chương trình hành động”. - ông Nguyễn Tấn Vạn nhấn mạnh.

“Bức tranh” nhiều gam màu

Nhận định về thực trạng hội nhập kiến trúc trên thị trường Việt Nam, KTS Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Hội KTS TP.HCM cho biết: Từ những năm 1992- 1993, TP.HCM đã có những công trình do nước ngoài đầu tư như cải tạo rạp Đại Nam, khách sạn Đại Nam, khách sạn New Word, công trình Zen Plaza… Ở giai đoạn này, Việt Nam nhập gần như 100% công trình về thiết kế. Mặc dù đã có quy định của Bộ Xây dựng là đơn vị tư vấn nước ngoài (TVNN) phải liên doanh, hợp tác với một số tư vấn trong nước (TVTN). Tuy nhiên, đơn vị TVTN chỉ làm nhiệm vụ… ghi thêm ở phần khung tên bản vẽ “đơn vị hợp tác tư vấn”, giám đốc ký tên đóng dấu là xong. Ngoài ra, TVTN còn làm thêm các dịch vụ xin phéo hành nghề cho TVNN theo quy định và dịch chữ tiếng Anh ra tiếng Việt, để đi xin phép xây dựng. Còn đến phần bản vẽ thiết kế thi công thì TVNN làm hết.

“Cái công việc hội nhập này kéo dài trong nhiều năm, để chúng ta tự biến mình thành kẻ sính ngoại” - KTS Nguyễn Trường Lưu nhấn mạnh - “Ta sính ngoại đến độ nhập bất cứ công trình có quy mô lớn hay nhỏ như thế nào, nhập cả thiết kế công trình lẫn quy hoạch, nhập bất cứ các thể loại kiến trúc nào, kể cả các công trình liên quan tới an ninh, quốc phòng, các công trình văn hóa mang hồn vía dân tộc.

Theo KTS Nguyễn Trường Lưu, trong quá trình “nhập” ào ào đó, đã có không ít các mẫu thuẫn xảy ra giữa chủ đầu tư và TVNN. Khi xảy ra kiện tụng, bao giờ chủ đầu tư Việt Nam cũng thua kiện vì nhập kiến trúc thì phải nhập cả các thông lệ hành nghề kiến trúc quốc tế, nhập các quy định về luật kinh tế của nền kinh tế thị trường, nhập cách hành xử mối quan hệ giữa nhà tư vấn và chủ đầu tư. Mà những cái này, ta không quen.

Rút kinh nghiệm, nhiều công trình sau này chỉ nhập phần ý tưởng kiến trúc, phần thiết kế cơ sở, còn phần thiết kế thi công thì TVTN triển khai, “có gì thì chủ đầu tư và TVTN hành xử với nhau theo thông lệ lâu nay vẫn làm. Hiện nay, TVTN bắt đầu hội nhập quốc tế như bao lĩnh vực kinh tế khác như chủ yếu vẫn “hội” ở phần “nhân công” gia công triển khai...

Chia sẻ kinh nghiệm của Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quốc gia (VIUP) trong hội nhập quốc tế, Phó viện trưởng Lưu Đức Cường cho biết: Hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu. VIUP rất chú trọng công tác hợp tác quốc tế, ở cả 3 lĩnh vực hoạt động chính là nghiên cứu khoa học, đào tạo và tư vấn. Trong giai đoạn 2010 - 2015, VIUP cùng với các chuyên gia, tổ chức TVNN đã thực hiện nhiều hợp đồng tư vấn tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong các đồ án hợp tác quốc tế này, đa phần VIUP tham gia với tư cách là nhà thầu chính.  Tuy nhiên, trong một số đồ án lớn, TVNN đóng vai trò là nhà thầu chính. Với tư cách là nhà thầu chính, VIUP chịu trách nhiệm chính về toàn bộ nội dung chuyên môn, tổ chức báo cáo nội dung đồ án với các cấp chính quyền. Với tư cách là nhà thầu phụ, TVNN chịu trách nhiệm về sự báo các kịch bản phát triển kinh tế, quy mô dân số, tỷ lệ đô thị hóa… VIUP và TVNN luôn biết phát huy thế mạnh của mỗi bên, có sự phối hợp nhịp nhàng và chuyên nghiệp để bảo đảm thành công.

Ông Cường phân tích: TVNN có các phương pháp nghiên cứu lập quy hoạch mới, tiên tiến, giàu ý tưởng, thực tiễn cao. Thông qua hợp tác quốc tế, VIUP từng bước làm chủ các phương án nghiên cứu lập quy hoạch và thiết kế kiến trúc mới, tiên tiến trên thế giới. Các sản phẩm tư vấn ngày càng có nhiều ý tưởng tiến bộ, mới, mạnh mẽ, mang tính đột phá, có cách lập luận logic, chặt chẽ, khoa học, tích hợp, đa ngành. Các KTS, kỹ sư, cán bộ của VIUP có điều kiện cập nhật những công nghệ mới, làm giàu thêm vốn kiến thức về văn hóa  xã hội, tăng tính chuyên nghiệp trong hành nghề kiến trúc.

“Bước nhanh, hành động nhanh”

Dù “bức tranh hội nhập” trước đó mang màu sắc nào thì giờ đây trong bối cảnh hội nhập mới, để vượt qua những thách thức, nắm bắt cơ hội phát triển, giới KTS cần chuẩn bị và có thái độ ứng xử như thế nào?

Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, dịch vụ tư vấn kiến trúc được ưu tiên mở cửa và tự do di chuyển trong AEC, do vậy, giới KTS phải bước nhanh, hành động nhanh.

KTS Lê Hữu Trúc (Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng bối cảnh mới đòi hỏi phải cải cách hệ thống tổ chức quản lý xây dựng nói chung, quản lý hành nghề KTS nói riêng, đòi hỏi cải thiện điều kiện và môi trường hành nghề. Các KTS và tổ chức hành nghề không ngừng nâng cao trình độ, nâng cao năng lực cạnh tranh… “Không đổi mới, chúng ta chắc chắn sẽ thụt lùi, chịu thua ngay trên sân nhà và không có cơ may vươn ra, sánh ngang hàng với các nước trong khu vực và quốc tế” - KTS Trúc nhận định.

KTS Nguyễn Trường Lưu thì cho rằng: Để hội nhập được với quốc tế thì hãy hội nhập thông lệ hành nghề kiến trúc của quốc tế. Cụ thể, Việt Nam phải có Luật KTS hay Luật Hành nghề kiến trúc.

Tương tự, KTS Lưu Đức Cường cũng kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý cho công tác hành nghề và phối hợp với các Cty tư vấn, chuyên gia quốc tế; sớm ban hành luật “Hành nghề KTS” trong đó quy định rõ các điều kiện hành nghề của các KTS, Cty TVNN tại Việt Nam. Ông Cường đồng thời đề xuất điều chỉnh đơn giá TVTN theo hướng bình đẳng hơn so với TVNN.

Hòa Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load