Thứ năm 28/03/2024 21:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hành lang pháp lý cho các hoạt động từ thiện: Tấm áo đã quá chật? 

12:59 | 24/10/2020

(Xây dựng) - Từ thực tế sự kiện ca sỹ Thuỷ Tiên đi làm từ thiện, kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng ủng hộ miền Trung đã tạo nên một “hiện tượng” được dư luận quan tâm, nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm đã đến lúc Chính phủ cần có tổng kết xem các quy định trong Nghị định 64 ban hành năm 2008 có phù hợp thực tiễn hay không.

hanh lang phap ly cho cac hoat dong tu thien tam ao da qua chat
Hình ảnh bình dị của ca sỹ Thuỷ Tiên giữa vùng tâm lũ được nhiều người đồng tình, cổ vũ (Ảnh: Internet).

Thời của cá nhân có sức hút tiền tỷ làm từ thiện lên ngôi

Sau đợt bão đổ bộ liên tiếp vào các tỉnh của miền Trung, hiện nay nhiều nơi vẫn còn đang ngập sâu trong nước lũ, tài sản, hoa màu, vật nuôi cũng như con người bị thiệt hại nặng nề. Đồng bào miền Trung đang phải sống trong sự thiếu thốn, khó khăn.

Trước tình hình như vậy, với tấm lòng “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, nhiều tổ chức, cá nhân đã đứng ra thành lập các đoàn từ thiện cứu trợ kịp thời và hiệu quả thiết thực. Một trong số những nghệ sĩ đã đứng ra kêu gọi ủng hộ, vận động quyên góp giúp đỡ người dân vùng lũ, tạo thành một hiện tượng được dư luận đặc biệt quan tâm là ca sỹ Thủy Tiên. Chỉ trong vòng một tuần kêu gọi, số tiền mà Thủy Tiên nhận được đã lên tới con số trên 100 tỷ đồng.

Không những vậy, hình ảnh nữ ca sỹ trực tiếp tới tận Quảng Bình, Huế, Quảng Trị… để thăm hỏi cũng như trao tiền và nhu yếu phẩm cho người dân được chia sẻ tốc độ chóng mặt . Các nghệ sĩ khác như Trấn Thành, Hoài Linh... cũng đã lập quỹ ủng hộ đồng bào vùng lũ dưới tên của mình quyên góp được nhiều tỷ đồng, đi tới các vùng còn đang ngập lụt chia sẻ, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, thiếu thốn.

Việc ca sỹ Thủy Tiên đi từ thiện nhận được sự quan tâm của nhiều người, đồng thời cũng khiến khán giả nhớ lại hành trình kêu gọi ủng hộ miền Trung của MC Phan Anh. 04 năm trước, nam MC kêu gọi quyên góp cho người dân miền Trung gặp khó khăn vì bão. Bản thân Phan Anh đóng góp 500 triệu. Chung cuộc nam MC đóng tài khoản nhận quyên góp với số tiền lên đến 24 tỷ.

Cần rà soát lại quy định của Luật

Mặc dù số đông dư luận đồng tình với sự xông xáo, nhiệt tình và công sức của ca sỹ Thuỷ Tiên song cũng có không ít ý kiến băn khoăn về tính hợp pháp của việc làm này.

Luật sư Nguyễn Phước Vẹn - Văn phòng Luật sư Phú Nhân An - Chi nhánh quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, việc ca sỹ Thủy Tiên hay nhiều nghệ sĩ khác đứng ra kêu gọi vận động cứu trợ cho người dân miền Trung không phải là đối tượng điều chỉnh của Nghị định 64/2008. Mà là đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật Dân sự 2015 và các Văn bản quy phạm pháp luật khác. Như vậy, các nghệ sĩ này không vi phạm Nghị định 64/2008. Theo ông, hoạt động kêu gọi cho các cá nhân chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt đã xác lập một hợp đồng tài sản mà bên tặng là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, còn bên nhận là cá nhân chịu thiệt hại của mưa lũ. Theo Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 thì: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của Luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thì cho rằng: “Nếu dân kêu gọi lập quỹ, hình thành các quỹ tài chính để phục vụ cho lợi ích của cá nhân thì không thể chấp nhận. Nhưng khi họ dùng uy tín, tấm lòng kêu gọi ủng hộ, đó là điều không phải ai cũng làm được”.

Từ thực tế việc ca sỹ Thuỷ Tiên kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung, nhiều chuyên gia pháp luật bày tỏ quan điểm đã đến lúc Chính phủ cần xem xét lại các quy định trong Nghị định 64/2008 có phù hợp thực tiễn hay không.

Luật sư Quang Đức - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Nghị định 64/2008 đã ban hành lâu và không còn phù hợp. Theo Luật sư cần có sự điều chỉnh, không chỉ có cơ quan Nhà nước được quyền trong vấn đề quyên góp cũng như cứu trợ. Điều đó đồng nghĩa với việc cá nhân, đoàn thể mỗi khi gặp trường hợp thiên tai, bão lũ đều có thể tự đứng ra quyên góp. Luật sư Quang Đức nói thêm: Về mặt chế tài, nếu những cá nhân, đoàn thể lợi dụng việc từ thiện để thu lợi cho cá nhân thì đã có biện pháp xử lý, trong Bộ Luật Hình sự đã nêu rõ. “Theo pháp luật, việc những nghệ sĩ đứng ra quyên góp vẫn là vi phạm Nghị định 64/2008. Nhưng trừ khi họ lợi dụng để mưu lợi cho cá nhân thì vi phạm, còn nếu họ làm một cách công tâm, nhận quyên góp rồi đi cứu trợ chứ không có lợi ích cá nhân gì trong đó thì họ không bị ảnh hưởng”, Luật sư Đức phân tích.

Tuy nhiên, Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng, cần có quy định mới về pháp luật tạo lập hành lang pháp lý bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ như của ca sĩ Thủy Tiên.

Nghị định 64 đã được Chính phủ ban hành từ năm 2008, do đó Nghị định này đang có những quy định cũ, lỗi thời, không còn phù hợp với thực tiễn. Chính sự hạn chế về quyền được vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân này đã gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ.

Các nhà làm Luật cần cân nhắc sửa đổi các quy định của pháp luật sao cho phù hợp với thực tế, cần bổ sung thêm quy định để dễ dàng huy động các nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ người dân. Nguồn lực xã hội ở đây không chỉ có các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân mà cả tổ chức, cá nhân, những người có tên tuổi, uy tín trong xã hội cũng có quyền được vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do bão lũ.

Đồng thời, Nhà nước cần có Văn bản quy định và hướng dẫn chi tiết để kiểm soát các hoạt động từ thiện. Những cá nhân, tổ chức khi đứng ra làm từ thiện có trách nhiệm thực hiện công khai minh bạch khi quản lý và sử dụng tiền, nếu như có sự cố thì các cá nhân, tổ chức dựa vào quy định của pháp luật để giải trình chi tiết trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Căn cứ theo Nghị định 64/2008 của Chính phủ về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, chỉ có ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ bao gồm:

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương;

Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định;

Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Trịnh Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load