(Xây dựng) - Ngày 23/4, ông Nguyễn Duy Hiểu - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bình Dương cho biết, trong năm 2023 và đầu năm 2024, tình hình chậm đóng bảo hiểm ở Bình Dương thấp hơn so với chỉ tiêu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Trong đó, một số đơn vị vẫn còn nợ đọng kéo dài gây khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong công tác thu hồi nợ.
Nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương chậm đóng bảo hiểm xã hội. |
Tính đến ngày 31/3, trên địa bàn có 10 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài.
Trong đó, Công ty Cổ phần Xây dựng công trình và Khai thác đá 621 chậm đóng số tiền nhiều nhất với 16 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc và Giặt tẩy Bến Nghé 9,7 tỷ đồng; Công ty TNHH May Kim Long 3,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Stanley Furniture Việt Nam 7,6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tân Tân 6,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Phạm Tôn Bình Dương 4,4 tỷ đồng; Công ty TNHH TM-DV May mặc Hòa Sơn 2,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Gỗ Thịnh An 3,2 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty TNHH Kinh doanh S&H tại Bình Dương 4,7 tỷ đồng; Công ty TNHH GFS Việt Nam nợ bảo hiểm xã hội thấp nhất 2,5 tỷ đồng.
Theo ông Hiểu, để thu hồi được tiền từ các doanh nghiệp chậm đóng kéo dài, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đã áp dụng một số biện pháp thu hồi tiền chậm đóng như tuyên truyền, nhắc nhở nâng cao ý thức chấp hành của chủ doanh nghiệp.
Đối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng, áp dụng biện pháp xử lý trách nhiệm của người sử dụng lao động phải chi trả chi phí khám chữa bệnh cho người lao động, khi đó thẻ bảo hiểm y tế không có hiệu lực đi khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, hàng tháng cơ quan bảo hiểm y tế sẽ gửi danh sách các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên cho các cơ quan, ban, ngành, đề nghị hỗ trợ phối hợp theo dõi đôn đốc đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Quang Hải
Theo