(Xây dựng) - Khi mùa mưa bão tới, giông lốc và gió giật mạnh có thể bất ngờ làm ngã đổ cây xanh, gây nguy hiểm cho người dân xung quanh cũng như người đang tham gia giao thông. Việc thường xuyên kiểm tra, chăm sóc, cắt tỉa cây trước mùa mưa bão là vô cùng cần thiết nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng cây đổ bất ngờ.
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội tiến hành cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão (Ảnh: TTXVN). |
Nỗi lo thường trực
Trên nhiều tuyến đường, tuyến phố của Hà Nội, cây xanh đô thị được trồng với số lượng lớn, đa dạng về chủng loại, vừa cho bóng mát, không khí trong lành vừa tạo cảnh quan, không gian xanh đẹp cho đô thị. Không chỉ có các loại cây mới, Hà Nội cũng là địa điểm có nhiều cây cổ thụ, cây có tuổi đời lâu năm.
Tuy mang ưu điểm là làm đẹp cảnh quan, giúp điều hòa khí hậu cho thành phố, cây xanh lại mang nhiều rủi ro, có thể là mối nguy hại tới con người, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Giông lốc, gió giật mạnh, mưa lớn làm những loại cây lớn, cây có tuổi đời vài chục năm hoặc lên tới hàng trăm năm, cây có cấu trúc yếu dễ dàng bật gốc, gãy, đổ.
Trên thực tế, tình trạng cây đổ tại Hà Nội khi có mưa bão dường như năm nào cũng có. Các trường hợp đều xảy ra rất bất ngờ, làm thiệt hại cả về tài sản và tính mạng, gây nguy hiểm cho người dân cũng như những người đang lưu thông trên đường. Điều này luôn khiến người dân sống trong khu vực đô thị cảm thấy lo lắng.
Tiêu biểu như vụ việc xảy ra vào chiều 29/8/2019, do ảnh hưởng của bão số 4, Hà Nội xảy ra mưa kèm theo gió lốc khiến hàng loạt cây xanh bật gốc. Nam thanh niên 26 tuổi (Bắc Từ Liêm) khi đang lưu thông trên tuyến phố ven hồ Tây thì bất ngờ bị một cây si lớn ven đường đổ trúng, dẫn tới tử vong.
Năm 2020, Hà Nội cũng nghi nhận hàng loạt cây gãy đổ do ảnh hưởng của mưa bão. Tiêu biểu như con giông do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 đã bất ngờ làm gãy đổ 9 cây xanh thuộc các chủng loại muồng, ban, bằng lăng, xà cừ, trứng cá, phượng trên một số tuyến đường như Đội Cấn, Nguyễn Văn Ngọc (quận Ba Đình), Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm), Lạc Long Quân (quận Tây Hồ)… May mắn là không thiệt hại về người, tuy nhiên điều này lại làm tắc nghẽn giao thông trên các tuyến đường do phải tiến hành xử lý, dọn dẹp cây đổ.
Gần đây nhất, trong tháng 6 vừa qua, cơn mưa giông nhiệt diễn ra vào tối 22/6 đã làm hơn 260 cây xanh bị đổ, gãy cành, gãy ngang thân. Trong đó, các loại cây bị gãy đổ nhiều nhất là chiêu liêu, muồng, phượng, bằng lăng, sấu, ban, đại… nằm rải rác ở nhiều tuyến đường trong các quận nội thành. Tuy không có thương vong về người nhưng việc cây gãy đổ hàng loạt vẫn khiến người dân luôn cảm thấy bất an, lo lắng.
Cây xanh gãy đổ chắn ngang đường trên phố Đội Cấn (Ảnh: TTXVN). |
Chị Nguyễn Thị An (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Vào mùa mưa, đi ngày đường rất nguy hiểm vì cây bật gốc rồi đổ lúc nào mình không thể biết mà lường trước được. Nếu thấy mưa to tôi đều cố gắng tìm một chỗ trú an toàn để tránh gặp phải nguy hiểm”.
Cây xanh đô thị dễ bị gãy đổ, bật gốc thường do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính là do cường độ gió quá mạnh, mưa lớn, biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng diễn biến bất thường. Bên cạnh đó, cây xanh có thể đổ vì một số nguyên nhân khác như cây có bộ rễ lớn, không có đủ diện tích để sinh trưởng, bị hạn chế bởi công trình ngầm, hệ thống hạ tầng; công tác cải tạo vỉa hè, lòng đường, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, công tác xây dựng dễ làm rễ cây bị đứt; hành vi xâm hại cây xanh của người dân tại một số khu vực đô thị…
Nhanh chóng cắt tỉa, “khám bệnh” cho cây
Thời gian tới sẽ là cao điểm của mùa mưa bão với nhiều áp thấp nhiệt đới, áp thấp mạnh lên thành bão tiến vào đất liền. Để bảo đảm an toàn giao thông, tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế tối đa các sự cố liên quan đến cây xanh, đặc biệt trong mùa mưa bão, UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng đã ban hành văn bản chỉ đạo ứng phó nhanh chóng với mưa bão.
Ngày 6/7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hà Nội vừa có Công điện số 02/CĐ-BCH yêu cầu các đơn vị có liên quan chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Theo Công điện, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cần tổ chức cắt tỉa cành cây, bố trí lực lượng ứng trực, kịp thời giải tỏa cây đổ khi có mưa to, gió lớn; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; không làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của nhân dân.
Trước đó, Sở Xây dựng cũng đã có văn bản đôn đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội và các đơn vị quản lý, duy trì cây xanh theo phân cấp thực hiện cắt tỉa ngay những cây có nguy cơ gãy đổ cao, đặc biệt đối với các cây bị nghiêng, cây bị sâu mục... UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn kịp thời cắt sửa cây ảnh hưởng đến giao thông, nặng tán, thay thế cây sâu mục nguy cơ gãy đổ, gia cố cọc chống chưa bảo đảm kỹ thuật đối với cây mới trồng.
Đồng thời, Sở Xây dựng đã lên phương án, yêu cầu các đơn vị quản lý duy tu, duy trì cây xanh được yêu cầu huy động 100% quân số, ưu tiên xử lý các cây đổ gây nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, tài sản nhân dân; thực hiện giải tỏa 24/24 giờ, xử lý các cây đổ ra đường gây cản trở giao thông các tuyến trọng điểm, trục đường chính. Công tác thu dọn, giải tỏa cây gãy đổ cần phải triển khai nhanh chóng, không để xảy ra ùn tắc giao thông. Sau đó, vệ sinh san lấp hố trống, lựa chọn loại cây phù hợp, tiến hành trồng bổ sung cây mới thay thế cây đổ ngay trong thời gian 5 ngày kể từ khi có bão gây đổ cây…
Ngay từ đầu năm, Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội đã triển khai công tác cắt tỉa cành, hạ độ cao, chặt hạ các cây sâu mục, chết khô nguy hiểm trên địa bàn thành phố. Trong đó, trọng tâm trong cắt tỉa là ưu tiên các cây có đường kính và chiều cao lớn, cây nặng tán, cây nghiêng nguy hiểm, cây mọc lệch tán, cây có cành vươn, đặc biệt là cành khô, sâu mục. Những cây chết, già cỗi, bị mục gốc, có vết nứt ở gốc, thân, cây quá nghiêng sẽ được chặt hạ, thay thế.
Theo Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, Công ty đã và đang tiến hành công tác khảo sát, kiểm tra, “khám bệnh” thường xuyên cho cây xanh đô thị. Việc khảo sát này có vai trò vô cùng quan trọng, giúp hạn chế rủi ro do cây xanh bởi lẽ thông qua công tác kiểm tra kĩ càng mới phát hiện được cây nào có dấu hiệu mục, rỗng bên trong để nhanh chóng đốn hạ.
Hiện tại, công tác cắt tỉa, kiểm tra cây xanh vẫn đang được các đơn vị này duy trì thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng. Theo thống kê, từ đầu năm đến tháng 6/2021, Hà Nội đã có 19.500 cây bóng mát được cắt tỉa, trong đó 2.600 cây bóng mát cắt hạ độ cao, làm thấp tán; gần 17.000 cây được cắt cành khô, vén tán, đảm bảo mỹ quan đô thị. Chính điều này đã phần nào khiến người dân cảm thấy yên tâm, giảm bớt lo lắng về vấn đề cây gãy đổ.
Bên cạnh công tác cắt tỉa cây xanh của các đơn vị có liên quan, khi xảy ra mưa bão, gió to, mưa cường độ lớn, người dân không nên đứng dưới tán cây lớn hay cố lưu thông trên đường mà cần tìm chỗ trú an toàn, chủ động trong việc bảo vệ bản thân và tài sản, tránh gặp phải sự cố ngoài ý muốn.
Yến Mai
Theo