Thứ bảy 27/04/2024 03:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hải Phòng: Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố

22:56 | 19/07/2022

(Xây dựng) - UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Văn bản số 4453/UBND-VX về việc tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố.

hai phong tang cuong cong tac an toan ve sinh lao dong tren dia ban thanh pho
Ảnh minh họa.

Đối với các Sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện: Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động theo quy định tại tại Luật An toàn, vệ sinh lao động, Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuât an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.

Tuyên truyền, hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động theo từng lĩnh vực do các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo và ban hành theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản, cơ khí, luyện kim, cảng biển, truyền tải và cung cấp điện, sử dụng thiết bị nâng, thang máy, các công trình vui chơi công cộng có các trò chơi tàu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt, cáp treo; doanh nghiệp, cơ sở có sử dụng nhiều máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, có nhiều lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động. Phối hợp điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Công khai hành vi vi phạm nghiêm trọng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động. Điều tra, xử lý nghiêm hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm hình sự tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng.

UBND cấp xã thông tin với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Công an cấp huyện khi nhận được tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm bị thương nặng từ 2 người lao động trở lên đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 10, Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ; Định kỳ 6 tháng, hàng năm, UBND cấp xã báo cáo UBND cấp huyện về tình hình tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng liên quan đến người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động xảy ra trên địa bàn; UBND cấp huyện tổng hợp báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; UBND thành phố yêu cầu chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, trong đó chú trọng một số nội dung: Rà soát xây dựng, ban hành và nghiêm túc tổ chức thực hiện kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, hội đồng an toàn, vệ sinh lao động, mạng lưới an toàn vệ sinh viên đầy đủ theo quy định của pháp luật. Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; quan trắc môi trường lao động; khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; khám sức khỏe định kỳ; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định.

Kiểm định kỹ thuật an toàn trước khi đưa vào sử dụng, khai báo trong khoảng thời gian 30 ngày trước hoặc sau khi đưa vào sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Trang bị đúng, đầy đủ, đảm bảo chất lượng, kiểm tra, giám sát người lao động trong việc tuân thủ quy định sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Rà soát thực hiện việc đánh giá rủi ro; xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố hoặc ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc. Phòng ngừa tai nạn lao động do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập. Thực hiện các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động, đặc biệt đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm số giờ làm thêm theo đúng quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động, Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15, ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định, kịp thời phát hiện và xử lý những nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Nghiêm khắc xử lý kỷ luật người lao động vi phạm nội quy, quy định, quy trình làm việc an toàn. Thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn việc báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động, báo cáo tình hình tai nạn lao động định kỳ theo quy định vào phần mềm cơ sở dữ liệu về tai nạn lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố, đánh giá về tình hình tai nạn lao động và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng.

Đăng Hùng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load