(Xây dựng) - Nhà báo Trúc Thanh (tên đầy đủ là Trần Trúc Thanh) - Nguyên Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương hàng năm vẫn về thăm anh chị em ông ở Hải Phòng - nơi ông sinh ra và lớn lên. Lần này, ông phải thốt lên: “Mới có mấy năm, Hải Phòng khác nhiều quá, rộng dài quá, đẹp quá”. Sau khi được người cháu dẫn đi qua nhiều con đường mới mở, những cây cầu mới xây, ông kêu: “Cháu dẫn đường cho cậu ra cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để về Hà Nội kẻo bị lạc”.
Bãi biển nhân tạo Đồi Rồng |
Một thời nhớ và... khép lại
Sau giải phóng và thống nhất đất nước, một thời ở Hải Phòng có ông Bí thư Thành ủy nổi tiếng không chỉ ở thành phố, còn vang tiếng trong cả nước. Ông là Đoàn Duy Thành, quê ở Kim Thành, Hải Dương. Ông nổi tiếng bởi ông để lại nhiều kỷ niệm đẹp cho người dân đất Cảng nhớ mãi. Thời ấy, trong hoàn cảnh hầu hết người dân cả nước còn phải bữa đói, bữa no, ăn độn thì nhiều gia đình ở Hải Phòng đã đi xe đạp mini Nhật hai gióng để người dân các tỉnh ao ước. Nhiều gia đình ở Hải Phòng hồi đó cứ chiều chiều lái xe cúp đời 81, 82, cúp DD, DE “kim vàng giọt lệ” làm dân các tỉnh thành ngước nhìn, ngưỡng mộ. Người Hải Phòng đi đến đâu, dân các tỉnh, thành tôn trọng về đẳng cấp. Người ta kháo nhau: Dân đất Cảng, muốn mua cái gì cứ đến chợ Sắt!
Cuộc sống đó, người ta gọi là thời ông Đoàn Duy Thành – cựu Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Ông đã cùng tập thể Ban Thường vụ, Ban chấp hành Thành ủy để lại nhiều dấu ấn trong cả nước. Khi ấy, ông Đoàn Duy Thành đã dũng cảm “phá rào” khi ở cương vị cao nhất thành phố. Ông “làm trái” bằng việc khoán cho hộ nông dân để tăng sản lượng lúa. Thành công của mô hình “khoán hộ” này khiến những bộ óc “cứng nhắc” nhất phải “nghĩ lại” - Chính thức cho ra hẳn Nghị quyết “khoán hộ” trong nông nghiệp bằng Chỉ thị 100, Khoán 10, tức là chấp nhận thay đổi lý luận về phương thức sản xuất, chấp nhận cá nhân, cá thể hoá sản xuất, không chỉ cứ một mực tập thể hoá, hợp tác hoá mới được sản xuất - kinh doanh, góp phần mở đường cho công cuộc đổi mớicủa Đại hội Đảng lần thứ 6. Người cựu Bí thư Thành uỷ Hải Phòng còn là người có bộ óc, tầm nhìn chiến lược, vượt thời đại khi đột phá vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng với “bốn cống ba cầu năm cửa ô/ Quai đê lấn biển dựng cơ đồ”. Nên bây giờ, Hải Phòng đã có 2 phường Tân Thành và Hải Thành (quận Dương Kinh); đắp đập làm tiền đề cho khu công nghiệp, cảng nước sâu Lạch Huyện ở Đình Vũ ngày nay... Ông cũng là người tiên phong xin Trung ương cho địa phương kinh doanh vận tải biển, mở ra hoạt động thương mại Intershop; khởi xướng phong trào, “Ngói hoá nông thôn”; “Xoá hố xí thùng”...
Cáp treo Cát Hải - Phù Long. |
Rồi ông Đoàn Duy Thành rời Hải Phòng lên Trung ương với nhiều cương vị mới đến chức Phó Thủ tướng Chính phủ. Cũng từ đó, Hải Phòng “chìm dần, chìm dần” tiếng vang so với tốc độ phát triển của nhiều tỉnh thành cả nước. Nhiều người Hải Phòng ra đi, họ ngước nhìn lên Đã Nẵng, Bình Dương phát triển, rồi sau này đến bộ mặt đô thị Hạ Long (Quảng Ninh) rộng, dài đổi mới từng ngày. Họ khen với sự phát triển đô thị của tỉnh “đàn em” Bắc Ninh... Người Hải Phòng... buồn khi đến nhiều tỉnh, thành, cho dù người Hải Phòng vẫn nhận được sự “ưu ái” của người các tỉnh về đẳng cấp của thành phố Cảng. Họ ví Hải Phòng như cô gái đẹp kiêu kỳ chỉ mải ngủ để chờ đợi các hoàng tử, các tay chơi đến cầu hôn.
Từ Hải Phòng bừng tỉnh
Rồi Đại hội Đảng bộ Hải Phòng lần thứ lần thứ 15 (nhiệm kỳ 2015-2020) diễn ra và thành công tốt đẹp. Kết thúc, Đại hội đã bầu ra được các Thành ủy viên, bầu ra Ban Thường vụ và sáng suốt tìm ra người đứng đầu Đảng bộ, đó là ông Lê Văn Thành.
Cầu Hoàng Văn Thụ. |
Thời gian đã minh chứng ông cùng cùng với đội ngũ Ban chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy đã dân chủ, đoàn kết lãnh đạo, chỉ đạo thành phố làm nên nhiều cú đột phá, tăng tốc cho Hải Phòng phát triển.
Sau Đại hội Đảng, một luồng gió mới, Hải Phòng bừng tỉnh, bật dậy, tiến lên phía trước. Tương tự thời ông Đoàn Duy Thành, đương kim Bí thư Lê Văn Thành, người Vĩnh Bảo, dường như có ít nhiều nét tương đồng về phương pháp của ông Đoàn Duy Thành. Ông Lê Văn Thành cùng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ Hải Phòng lo an sinh của dân trước bằng nhiều Nghị quyết để chỉ đạo, hỗ trợ cho dân có xi măngxây dựng bê tông hóa hệ thống đường làng ra đến tận ruộng (Nông thôn mới), vào tận các ngõ, ngách trên toàn địa bàn thành phố, hỗ trợ xi măng cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo. Cùng với hệ thống chiếu sáng, đường làng, ngõ xóm Hải Phòng bừng sáng, người dân hân hoan, bước đầu củng cố lòng tin vào chính quyền.
Cầu Lê Hồng Phong. |
Cũng như thời ông Đoàn Duy Thành làm Bí thư Thành ủy, ông Lê Văn Thành cùng tập thể Ban Chấp hành và đặc biệt là Ban Thường vụ tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết bài toán ách tắc giao thông. Cú đột phá đầu tiên là nhanh chóng cải tạo xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông Cảng. Bằng việc mở rộng đường Đình Vũ với 10 làn xe có chiều dài khoảng 10 km (kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), hệ thống cầu vượt khác mức: Đình Vũ - Lê Thánh Tông; Lê Hồng Phong - Nguyễn Bỉnh Khiêm với tốc độ xây dựng chóng mặt đã làm ngỡ ngàng, như trong mơ của nhiều người dân thành phố. Nhất là cầu vượt Nguyễn Văn Linh không chỉ gió phần hoàn thiện hệ thống giao thông Cảng, khai thông giao thông hàng hóa tại khu vực cảng Hải Phòng và Khu công nghiệp Đình Vũ thông suốt đi các tỉnh, thành trong cả nước mà đã biến khu đất đầm lầy của ven sông Cầu Ràothành một khu đô thịCầu Rào 2 sầm uất bậc nhất Hải Phòng với rất nhiều nhà đầu tư hàng đầu trong và ngoài nước đổ xô đến xây dựng trung tâm thương mại, khu đô thị hiện đại tại đây. Nhưng điều cần nói, với hệ thống giao thông được xây dựng, khánh thành đồng bộ, đã giải quyết được sự ách tắc giai thông, ách tắc hàng hóa đã diễn ra nhiều năm tưởng chừng không thể giải quyết nổi.
Chung cư HH4. |
Cùng với hệ thống hạ tầng giao thông cảng biển, được Bộ Giao thông Vận tải làm chủ công, Hải Phòng đã chủ động xây dựng hệ thống giao thông kết nối với hệ thống cầu vượt biển Tân Vũ dài nhất Việt Nam được khánh thành. Từ đây, mở ra một không gian hướng ra biển, biến khu đảo Cát Hải quanh năm người dân sống bằng nghề làm muối thành cảng nước sâu Lạch Huyện, khu hậu cần cảng biển, khu công nghiệp, với nhiều nhà đầu tư như Vingoup là ví dụ điển hình đã xây dựng lên Nhà máy ô tô Vinfast. Đồng thời, tìm cách khai thác các “tiềm năng ngủ lâu”, như xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ với mô hình cánh chim Hải Âu đã biến khu đất sình lầy phía Bắc thành phố thuộc huyện Thủy Nguyên, trở thành khu đô thị Bắc sông Cấm sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào xây dựng nên khu đô thịhiện đạibậc nhất thành phố trong tương lai.
Flamingo Cát Bà. |
Hay Cát Bà đã có Sun Group vừa khánh thành cáp treo vượt biển dài gần 4km trong tổng chiều dài 19,5km. Tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long chỉ là sản phẩm đầu tiên trong chuỗi các sản phẩm du lịch… sẽ được Tập đoàn Sun Group triển khai trong tương lai, biến Cát Bà thành một hệ sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế, biến đảo Ngọc miền Bắc trở thành thiên đường du lịch hàng đầu Việt Nam và thế giới. Hay mới đây thôi, Flamigo đã khánh khai trương sạn 5 sao trên hòn đảo này. Còn khu du lịch Đồ Sơn sau thời gian dài “ngủ quên tên” cũng bắt đầu “thức dậy” khi vừa mới đây khai trương bãi tắm nhân tạo dài hơn 1km và động thổ Khách sạn 5 sao tại Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng.
Không chỉ phía biển, cùng với việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cầu, đường bộ, định hướng phát triển không gian, Hải Phòng mở rộng ra tất cả các hướng Tây, Tây Nam thành phố, như mở rộng Quốc lộ 18, khánh thành cầu sông Hóa sau 7 tháng thi công đã kết nối với các tỉnh Thái Bình và phía Nam, biến khu đất vùng sâu, vùng xa: An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo bắt đầu “khởi sắc” trở lại. Cùng với việc kết nối với Hải Dương bằng khởi công xây dựng cầu Quang Thanh, cầu Dinh vào tháng 5/2020... và có ngày, ở khu vực này, Hải Phòng đã khởi công xây dựng 3 công trình cầu, đường trọng điểm sẽ biến vùng đất phía Tây Nam này nhiều cơ hội phát triển, thu hút đầu tư.
Điều cần nói, bí quyết ở đây, vị Bí thư xuất thân từ doanh nghiệp, người đứng đầu HĐND thành phố này cùng tập thể Ban Thường vụ từ tạo lòng tin, đến tạo đột phá khi được tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hẳn Nghị quyết số 45 về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” điều đó như tạo môi trường để“rồng gặp nước”, như chắp thêm vây cho Hải Phòng trong tương lai.
Đến lo cho dân là phát triển bền vững
Vị Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND và tập thể lãnh đạo thành phố Hải Phòng cũng được người dân ghi nhận bởi sự quan tâm đến gia đình chính sách, người có công, người nghèo, người cận nghèo. Từ khi ông Lê Văn Thành nắm quyền, thông qua HĐND, quà của thành phố cho những gia đình này không hề còn mang tính chất “tượng trưng” đã “bứt phá” “xé rào” gấp hẳn 2-3 lần so mức của Trung ương và so với mặt bằng chung của cả nước. Ngay như mùa dịch bệnh Covid-19 Hải Phòng tổ chức cuộc họp HĐND thành phố sớm nhất (duy nhất) trong cả nước, lắng nghe ý kiến các đại biểu, để đưa ra các quyết sách: Vừa phát triển kinh tế, vừa kiên quyết ngăn chặn dịch Covid-19 ngay từ cửa ngõ thành phố, nhưng cũng sẵn sàng có nhiều kịch bản , kế hoạch “tác chiến” nếu bị dịch xâm nhập. Kết quả: Mặc dù Hải Phòng là thành phố có đầy đủ các yếu tố, nguy cơ bị dịch xâm nhập nhưng cho đến nay chưa hề có một người đưa được Covid-9 vào thành phố. Trong khi dịch đã xâm nhập, thậm chí lây lan ở nhiều tỉnh, thành phố xung quanh.
Vị Bí thư Thành ủy xuất thân từ doanh nghiệp, ông rèn luyện trưởng thành từ Nhà máy Xi măng Hải Phòng - Nơi có bề dày về truyền thống cách mạng, nơi đóng góp phần lớn xi măng cho xây dựng đất nước (thời bao cấp). Và khi đất nước đổi mới, thời ông Lê Văn Thành làm Giám đốc cũng là lúc Xi măng Hải Phòng phải đối mặt thay đổi cả về tổ chức, nội dung và hình thức hoạt động, chấp nhận sự cạnh tranh khốc liệt để có thị phần lớn nhất cung cấp xi măng cho đất nước và với thời gian dài là Phó Chủ tịch thành phố nên có lẽ, người cựu Giám đốc Công ty xi măng Hải Phòng, đương kim Bí thư đã biết hành động thế nào để một đơn vị, địa phương phát triển bền vững, đó là: Lòng dân. Mà không nhất thiết cứ phải đứng trên bục với những bài giảng cao siêu, lý thuyết, giáo điều về chủ đề này.
Khách sạn 5 sao Pullman 12 Trần Phú. |
Thật vậy, vừa lo phát triển kinh tế, vừa lo cuộc sống cho người dân, trong đó “an cư mới lạc nghiệp” - Đó mới là phát triển bền vững. Những khu nhà chung cư cũ, xuống cấp, dễ đổ sập bất cứ lúc nào do xây dựng từ nhưng năm 60 thế kỷ trước đã được thay thế bằng chung cư mới theo hình thức BT ở Hải Phòng liên tục được khánh thành, đưa dân quay về ổn định chỗ ở. Như chung cư U19 Lam Sơn quy mô 5 tầng với 56 căn hộ, do Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng đầu tư thực hiện. Hoặc Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (Công ty Hoàng Huy) đã đấu thầu quốc tế xây dựngchung cư: N1, N2 Lê Lợi quy mô 6 tầng với 126 căn hộ đã sử dụng; khu chung cư HH1, HH2 đầu tư dự toán 1.200 tỷ để xây dựng 1.030 căn hộ đẹp như mơ cho người thu nhập thấp. Gần đây, tại khu Đổng Quốc Bình, Công ty Hoàng Huy đã chính thức bàn giao khu HH4 quy mô 29 tầng cho 728 hộ/ 1.456 căn hộ khi cùng với khu HH3 sẽ được bàn giao trong thời gian tới. Với hạ tầng đồng bộ của số tiền đầu tư 1.668 tỷ đồng, Khu HH3 và HH4 được dư luận đánh giá không kém bất cứ khách sạn 3-4 sao nào. Tất cả 3 khu trên, Công ty Hoàng Huy thực hiện với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng bằng hình thức đấu thầu công khai đã giảm được gánh nặng về nguồn ngân sách thành phố, thực hiện hiệu quả chủ trương lớn của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, huy động nguồn lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, cải thiện chất lượng nhà ở của người dân thu nhập thấp mà ngay 2 “đầu tàu kinh tế”: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa làm được.
Điều cần nói thêm, sau khi được thành phố thanh toán 5,1 ha đất (bằng 194,5 tỷ/1.668 tỷ dự toán xây dựng của khu HH3, HH4) tại khu Nhà máy đóng tàu Sông Cấm (cũ), Công ty Hoàng Huy đã kè sông, đầu tư hạ tầng cơ sở, hệ thống cây xanh (nên đã đẩy mức giá 3,8m2 lên 5,9 triệu/m2, tăng gấp gần 2 lần so với bảng giá đất quy định và của thành phố để giao cho Hoàng Huy) và với mật độ xây dựng khoảng 55% (bằng 32.572m2) đã biến khu đất tăm tối ngày xưa thành điểm nhấn về đô thị của Hải Phòng bên sông Tam Bạc. Tiếc rằng, đến nay, Hải Phòng mới trả được nợ cho Công ty Hoàng Huy khoảng 1 phần 10 (đất Nhà máy đóng tàu sông Cấm và 3.060 m2 đất nông nghiệp ở phường Kênh Dương) số tiền 3.000 tỷ đồng do Hoàng Huy đã đầu tư.
Một góc đô thị. |
Có lẽ chẳng riêng gì Hải Phòng, người dân cả nước rất khó nhớ những số liệu về thành tích. Nhưng người dân họ rất tinh khi nhìn thấy cái tâm, cái tầm của nhà lãnh đạo, bởi họ rất nhớ những công trình, dự án, chương trình, chính sách trực tiếp tác động vào cuộc sống của họ do lãnh đạo đề xướng và hành động vì họ. Vậy nên, một cây cầu được khánh thành, một con đường mới mở, một công viên mới xây, những tòa nhà mang lại chỗ an cư cho người dân, hay một chính sách mới đem lại lợi ích cho cộng đồng, người dân tự khắc ghi tên người lãnh đạo và tập thể lãnh đạo đã làm cho dân.
Vũ Trang
Theo