(Xây dựng) – Vừa qua, tại Hải Phòng, Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành Kỳ họp thứ 2.
Các đại biểu dự kỳ họp. |
Kỳ họp thảo luận vào hai nội dung: Góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác năm 2021, xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Hội đồng Lý luận Trung ương; Tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Nghị quyết 26/NQ-TW”.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Kỳ họp. Dự về phía lãnh đạo thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội Hải Phòng; đại diện lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng của Thành ủy và Sở, ngành...
Năm 2021 là năm đánh dấu bước chuyển giao của Hội đồng Lý luận Trung ương từ nhiệm kỳ 2016-2021 sang nhiệm kỳ 2021-2026. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngay sau Lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương, Quyết định thành lập các tiểu ban của Hội đồng và Lễ ra mắt Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, quyết liệt, kịp thời của tập thể Thường trực Hội đồng, Hội đồng đã kiện toàn Ban Thư ký khoa học của Hội đồng; chuẩn bị tốt và tổ chức thành công Kỳ họp thứ nhất, thông qua Kế hoạch công tác toàn khóa “Những nội dung công tác chủ yếu và Chương trình làm việc của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026”. Đồng thời, kiện toàn Hội đồng, Cơ quan Hội đồng, thông qua Quy chế làm việc của các Tiểu ban, Quy chế làm việc của Ban Thư ký khoa học, Văn phòng Hội đồng; tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội đồng bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, trang trọng, tiết kiệm, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Hội đồng triển khai và hoàn thành với chất lượng cao một khối lượng công việc chuyên môn lớn: Hai báo cáo tư vấn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phục vụ Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII: “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới” và “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; đang tích cực xây dựng hai báo cáo tư vấn phục vụ Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về: “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; và “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; triển khai nghiên cứu 2 chuyên đề theo Kế hoạch số 02-KH/BCĐ ngày 20/7/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; chủ động xây dựng và khẩn trương tổ chức triển khai Chương trình “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025”.
Hội đồng đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, duy trì và củng cố mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu lý luận của các Đảng cộng sản và Đảng cầm quyền trên thế giới. Tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng.
Năm 2022, Hội đồng tập trung vào một số nhiệm vụ: Hoàn thành với chất lượng cao các báo cáo tư vấn, báo cáo chuyên đề trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phục vụ Hội nghị Trung ương 5, 6 khóa XIII; báo cáo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; triển khai hoàn thành 15 chuyên đề phục vụ nghiên cứu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bên cạnh 3 chuyên đề phải hoàn thành và trình Ban Bí thư trong tháng 12/2021 này; Đẩy mạnh triển khai Chương trình KX.04/21-25; chủ động chuẩn bị triển khai tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới; tổng kết 50 năm thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Hội đồng chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại và tổ chức tốt các hội thảo trao đổi lý luận với một số đảng cộng sản, đảng cầm quyền trên thế giới; Chuẩn bị tốt, bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng các báo cáo chuyên đề phục vụ các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII và các đồng chí cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khoá XIV của Đảng; Nâng cao chất lượng, tư vấn, thẩm định những vấn đề mà các ngành, các cấp trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương; Tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là trên mặt trận lý luận; phê phán, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị.
Về Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Nghị quyết 26/NQ-TW”.
Hội thảo tập trung nghiên cứu, thảo luận sâu về các nội dung sau: Làm sâu sắc và cụ thể hóa thêm quan điểm của Đại hội XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và các phương hướng, giải pháp thực hiện cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cung cấp thêm luận cứ khoa học về các giải pháp giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; định hướng đổi mới và nâng cao hiệu quả chính sách phát triển nông nghiệp; quan điểm chủ trương, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá để ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ hiệu quả phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh ở nước ta thời gian tới; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tham gia của hệ thống chính trị và phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn hiện đại; yêu cầu và giải pháp bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn Việt Nam.
Hải Nguyên
Theo