(Xây dựng) – Thành phố Hải Phòng là địa phương có cao độ san nền thấp hơn so với mực nước triều cường, độ dốc ít nên chịu ảnh hưởng nhiều bởi thủy triều nhất là khi trời mưa.
Công nhân bảo trì hệ thống thoát nước. |
Hệ thống thoát nước đô thị Hải Phòng được xây dựng từ nhiều thập kỷ. Hiện nay, mạng lưới đường cống thoát nước trong thành phố phục vụ thoát nước mưa và thoát nước thải. Phần lớn nước mưa và nước thải được xả trực tiếp ra sông hoặc ra các hệ thống nước mặt sau đó ra sông qua các kênh dẫn và cống ngăn triều. Từ tháng 2/2021, Nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm được bàn giao và đưa vào vận hành theo thiết kế công suất của nhà máy là 36.000m3/ngày đêm. Nước thải được thu gom chủ yếu ở quận Lê Chân, một phần quận Ngô Quyền.
Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của Hải Phòng nhanh. Do đó, nhu cầu về thoát nước và xử lý nước thải tăng cao. Quá trình đô thị hóa khiến ao hồ, kênh mương bị san lấp, thu hẹp; đất đai bị bê tông hóa, đường nhựa hóa làm gia tăng bề mặt không thấm nước. Đồng thời, làm cho quá trình tự thấm nước trong các đô thị giảm, gây nên hiện tượng gia tăng các dòng chảy nước mặt trong đô thị. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập lụt khi trời mưa to, kéo dài.
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã triển khai một số dự án ODA về thoát nước. Dự án thoát nước 1B (Dự án thoát nước và vệ sinh thành phố Hải Phòng) cải thiện năng lực thoát nước của hệ thống thoát nước và chống ô nhiễm môi trường, đặc biệt là 2 tuyến kênh Đông Bắc, Tây Nam; các hồ Lâm Tường, hồ Sen, Dư Hàng, Tiên Nga góp phần chỉnh trang cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, Dự án 1B mới cải tạo được khoảng 30% các công trình thoát nước của thành phố tại thời điểm đó. Dự án JICA (Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng giai đoạn 1) từ năm 2004 đến nay. Dự án cơ bản hoàn thành một số hạng mục thoát nước và xử lý nước thải, chuẩn bị đưa các hạng mục của Dự án vào bàn giao sử dụng. Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, các hạng mục thoát nước phục vụ được khoảng gần 40% diện tích 4 quận nội thành Hải Phòng.
Tuy nhiên, hai dự án này nếu được đưa vào vận hành đồng bộ mới chỉ bao phủ khoảng 30 - 40% diện tích của đô thị. Hệ thống thoát nước của thành phố hiện chỉ đáp ứng được các trận mưa dưới 100mm/ngày đêm. Đối với các trận mưa lớn trên 100mm kết hợp cùng với triều cường sẽ gây ngập lụt ở nhiều khu vực trũng, thấp, đặc biệt là các khu vực chịu ảnh hưởng của các dự án đang thi công dở dang.
Với vai trò là đơn vị quản lý chuyên ngành lớn nhất của thành phố, để tăng cường hiệu quả công tác thoát nước, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng tham mưu, đề xuất với UBND thành phố Hải Phòng và Sở Xây dựng một số giải pháp. Đối với ngắn hạn, đầu tư cải tạo, thay thế một số tuyến cống trục chính với tiết diện cống lớn hơn (từ D1500 đến D2000); Trung tu các tuyến cống thuộc lưu vực thành phố cũ và một số tuyến cống chính; Xây dựng trạm bơm Lãn Ông – Trần Quang Khải, trạm bơm Cát Bi. Cải tạo thoát nước xóm ngõ cho một số khu vực chịu ảnh hưởng của dự án, các ngõ ngách bức xúc về thoát nước; Nạo vét bùn các miệng xả mương rãnh, các mương, hồ điều hòa; Nâng cốt san nền tại một số khu vực có cos san nền thấp; Đặt trạm bơm cưỡng bức tại một số khu vực trũng, thấp như: Chợ Hàng, Cầu Đất, Đình Đông, Văn Cao… Đối với dài hạn, lập kế hoạch và triển khai các dự án cải tạo hệ thống thoát nước quận Hải An, quận Hồng Bàng (khu vực Sở Dầu, Quán Toan, Hùng Vương) và các khu vực giáp ranh với quận Kiến An, Dương Kinh. Vận động các tổ chức quốc tế đầu tư cải tạo, xây mới hệ thống thoát nước bằng nguồn vốn tài trợ ODA cho các khu vực huyện An Dương, huyện Vĩnh Bảo và các quận huyện trên địa bàn.
Công nhân lắp biển cảnh báo khi trời mưa. |
Thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy số 76-CTr/TU ngày 8/7/2019 thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hướng tới xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng là đô thị thông minh, thành phố quốc tế, đến năm 2025, thành phố Hải Phòng có 60% làng nghề truyền thống đạt yêu cầu về môi trường; 80% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; 42,4% nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Đến năm 2030, thành phố Hải Phòng có 80% làng nghề truyền thống đạt yêu cầu về môi trường; 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; 80% nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Xây dựng hệ thống thoát nước và trạm xử lý nước thải tại một số khu vực: quận Hải An, quận Lê Chân, quận Dương Kinh, quận Kiến An, quận Đồ Sơn, đảo Cát Bà.
Thực hiện Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Nâng cấp, cải tạo các hồ điều hòa hiện có, xây dựng mới 12 hồ điều hòa thoát nước mưa với tổng diện tích 709,5ha tại các khu vực phát triển mở rộng đô thị và khu vực trũng thấp, tụ thủy tự nhiên của thành phố. Hệ thống cống thu gom nước thải được tách riêng và đưa về trạm xử lý nước thải của từng khu vực.
Thực hiện quy hoạch thoát nước mặt và thoát nước thải thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 510/QĐ-UBND ngày 8/3/2018 và Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 27/3/2018 của UBND thành phố Hải Phòng, Hải Phòng sẽ đầu tư thêm 33 nhà máy xử lý nước thải, xây mới bổ sung 447,84km đường cống các loại, bổ sung 174 trạm bơm nước thải và 33 trạm bơm nước mưa (công suất từ 3m3/s đến 22m3/s). Với việc đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải như trên, cùng với sự nỗ lực quản lý, vận hành hệ thống thoát nước của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, công tác thoát nước và xử lý nước thải của thành phố Cảng sẽ càng ngày càng được cải thiện. Hải Phòng sẽ là thành phố Cảng “xanh - sạch - đẹp – không ô nhiễm môi trường – không ngập lụt”.
Hải Nguyên - Đăng Hùng
Theo