Thứ ba 15/10/2024 08:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hải Phòng: Ban hành Kế hoạch ứng phó với sự cố tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa

15:47 | 15/06/2020

(Xây dựng) - UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn thành phố nhằm chủ động, sẵn sàng ứng phó bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố, tai nạn.

hai phong ban hanh ke hoach ung pho voi su co tai nan giao thong duong bo duong sat va duong thuy noi dia
Ảnh minh họa (Nguồn: Tuấn Nguyễn).

Theo Kế hoạch, người phát hiện ra tai nạn giao thông đầu tiên phải có trách nhiệm thông tin ngay tới số điện thoại khẩn cấp và chính quyền địa phương nơi gần nhất để cung cấp thông tin về cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu, cháy nổ, hỏa hoạn. Người trực số điện thoại khẩn cấp phải có trách nhiệm báo cho các cơ quan chuyên trách, chính quyền địa phương có mặt ngay tại hiện trường, đồng thời báo cáo nhanh UBND thành phố, cơ quan chỉ huy hiện trường. Sau khi xác định được mức độ thiệt hại Ban An toàn giao thông cấp huyện có trách nhiệm lập báo cáo chính thức gửi UBND thành phố và Ban An toàn giao thông thành phố.

Trong ứng phó sự cố tai nạn giao thông đường bộ, đối với đường cao tốc và đường quốc lộ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên trách, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện phối hợp cứu hộ, cứu nạn khi nhận được thông tin và đề nghị từ cơ quan quản lý đường bộ Trung ương. Đối với đường tỉnh, đường đô thị các Sở, ngành, địa phương và đơn vị luôn chủ động sẵn sàng nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư ứng phó sự cố tai nạn giao thông theo từng khu vực và tình huống. Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó thì đề nghị các đơn vị có năng lực trực thuộc cơ quan chuyên trách trung ương nơi gần nhất hỗ trợ ứng cứu.

Đối với đường địa phương (từ đường huyện đến đường giao thông nông thôn, kể cả đường chuyên dùng trên địa bàn), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã chỉ đạo, điều hành huy động các Hạt quản lý đường bộ, các lực lượng, nhân viên y tế, phương tiện cứu nạn, cứu hộ, điều tiết đảm bảo giao thông, đảm bảo an ninh trật tự khu vực xảy ra sự cố, tai nạn…

Trong ứng phó sự cố tai nạn giao thông đường sắt, ngay khi xảy ra sự cố trưởng tàu phải báo cơ quan quản lý đường sắt nơi gần nhất để báo tới chính quyền địa phương nơi gần nhất và đơn vị quản lý đường bộ. Người phát hiện ra tai nạn giao thông đầu tiên phải có trách nhiệm thông tin ngay tới số điện thoại khẩn cấp để cung cấp thông tin về cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu, cháy nổ, hỏa hoạn và báo cho chính quyền địa phương nơi gần nhất. Công ty Cổ phần Đường sắt Hải Hà báo cáo Bộ Giao thông Vận tải quyết định thành lập Hội đồng giải quyết sự cố tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực để chủ trì giải quyết sự cố, tai nạn hiện trường.

Đối với sự cố tai nạn giao thông đường thủy nội địa, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện phải phát tín hiệu khẩn cấp. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về sự cố tai nạn giao thông đường thủy nội địa có trách nhiệm thông báo ngay cho chính quyền địa phương, đơn vị quản lý đường thủy nội địa nơi gần nhất. Cơ quan, đơn vị tiếp nhận thông tin có trách nhiệm kiểm tra, báo cáo ngay cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn và tổ chức lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia tìm kiếm cứu nạn theo chức năng nhiệm vụ của mình. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố chỉ đạo, tổ chức tìm kiếm cứu nạn giao thông đường thủy nội địa trong phạm vi địa giới hành chính địa phương.

UBND thành phố yêu cầu phải huy động sức mạnh tổng hợp của các Sở, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các lực lượng tham gia công tác ứng phó sự cố tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, tăng cường và phát huy mọi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật theo phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng”. Phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, bảo đảm sự chỉ huy phối hợp thống nhất chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, giữa các Sở, ngành, địa phương và đơn vị để tham gia cứu hộ, cứu nạn đạt hiệu quả an toàn.

Hải Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load