Thứ hai 09/09/2024 17:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Hải Lăng (Quảng Trị): Huy động trên 2.813 tỷ đồng để xây dựng huyện nông thôn mới

21:46 | 08/08/2024

(Xây dựng) – Từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn lực huy động thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới trên địa bàn huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đạt trên 2.813 tỷ đồng.

Hải Lăng (Quảng Trị): Huy động trên 2.813 tỷ đồng để xây dựng huyện nông thôn mới
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị vừa trao Quyết định công nhận cho các xã thuộc huyện Hải Lăng đạt xã nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Được biết, cho đến thời điểm hiện tại huyện Hải Lăng có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Sau hơn 12 năm (2011-2024) triển khai Chương trình, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, với tổng nguồn vốn trên 2.813 tỷ đồng, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình, góp công, góp sức của nhân dân, huyện Hải Lăng đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn; hệ thống thủy lợi của các xã đã cơ bản được nạo vét, khơi thông đồng bộ, tạo thành một hệ thống thủy lợi liên xã theo đúng quy hoạch, đáp ứng được nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Huyện đã ưu tiên bố trí các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Hệ thống chợ theo quy hoạch ở các xã là 14 chợ, huyện đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động 14/14 chợ (các chợ thuộc hạng III). Hoạt động kinh doanh của các tiểu thương tại các chợ, hình thức tổ chức quản lý chợ đã đi vào ổn định nề nếp, các chợ đã thành lập kiện toàn Ban quản lý chợ tổ chức hoạt động chợ theo hướng vệ sinh, an toàn, trật tự, văn minh; đáp ứng được nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hoá của người dân trong và ngoài huyện, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh tế nông thôn phát triển. Các chợ có trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; hệ thống điện, cấp thoát nước, nhà vệ sinh, bố trí thùng rác và rác thải được thu gom hàng ngày đảm bảo vệ sinh...

Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ở Hải Lăng thay đổi rõ nét, kinh tế phát triển toàn diện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp đồng bộ theo hướng hiện đại nhất là hệ thống đường giao thông; hệ thống trường học, y tế, dịch vụ công từng bước hoàn chỉnh phục vụ tốt nhu cầu nhân dân; các thiết chế văn hoá thể thao cơ sở được bảo tồn, phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp hiệu quả hơn.

Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu, hình thành nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, có nhiều mô hình thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thu nhập cao như: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, mô hình mô hình cây dược liệu, cây có múi, các mô hình chăn nuôi bò, lợn, gà công nghệ cao, cá lồng trên sông…

Hải Lăng (Quảng Trị): Huy động trên 2.813 tỷ đồng để xây dựng huyện nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở Hải Lăng thay đổi khang trang.

Công tác tổ chức sản xuất được quan tâm phát triển, có nhiều hợp tác xã, nhất là hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả, ổn định, đã và đang có những đóng góp quan trọng về mặt kinh tế - xã hội góp phần giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo vươn lên khá, giàu.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 trên địa bàn huyện đạt 66 triệu đồng, tỷ lệ nghèo giảm còn 3,74%, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch tập trung đạt trên 55%, tổ chức sản xuất luôn được quan tâm và chú trọng, với nhiều mô hình liên doanh, liên kết đạt hiệu quả kinh tế cao, bền vững như: Gạo sạch Hải Lăng, gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền quản lý bền vững; các sản phẩm OCOP đã thực sự có chỗ đứng, tạo nên thương hiệu trên thị trường như: Gạo Hải Lăng, bánh tét Đại An Khê, muối lạc rong biển, cam K4...

Lãnh đạo UBND huyện Hải Lăng khẳng định: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền và nhân dân nên phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Chính vì thế, những kết quả đạt được trong thời gian qua, là bài học kinh nghiệm và nền tảng quý giá để thời gian tiếp theo, công tác triển khai xây dựng nông thôn mới của huyện Hải Lăng tạo ra những đột phá mới, nhằm tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được xây dựng đồng bộ và hiện đại; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.

Hữu Tiến

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load