Thứ năm 25/04/2024 16:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Tĩnh: Xóm vạn chài ven bờ sông La sắp hết “kiếp lênh đênh”

13:41 | 02/08/2022

(Xây dựng) - Theo dự kiến, 24 ngôi nhà tái định cư trên bờ đang được các đơn vị thi công phấn đấu hoàn thành và bàn giao trước Tết Nguyên đán 2023 cho các hộ dân vạn chài thôn Tiền Phong (xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh). Một đời lênh đênh của người dân nơi đây sắp kết thúc bởi sự sẻ chia, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương và đơn vị doanh nghiệp.

ha tinh xom van chai ven bo song la sap het kiep lenh denh
Con thuyền nhỏ, bồng bềnh ngày đêm trên sống nước cũng là ngôi nhà của nhiều hộ dân tại làng chài thôn Tiền Phong bấy lâu nay (ảnh Trần Tuấn).

Bấp bênh đời sống vạn chài

Anh Ngô Văn Hiệp (trú tại thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) là một trong 24 hộ dân thuộc Hợp tác xã vận tải thời trước, sẽ được lên bờ trong thời gian tới theo chương trình xây dựng nhà ở cho các hộ dân vạn chài.

Vốn theo cha mẹ làm nghề chài lưới, cuộc sống lênh đênh nay đây mai đó nên anh chỉ học hết lớp 5. Sau khi xây dựng gia đình, vợ chồng anh ra ở riêng trên 1 chiếc thuyền nhỏ, tiếp nối truyền thống của gia đình, sống bằng nghề đánh bắt thuỷ hải sản trên dòng sông La và sông Lam.

ha tinh xom van chai ven bo song la sap het kiep lenh denh
Được sự sẻ chia, kêu gọi hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương cũng như các đơn vị doanh nghiệpm những căn nhà tái định cư đang dần hoàn thiện.

Chia sẻ về cuộc sống mưu sinh vất vả, lênh đênh trên sông nước, anh Hiệp kể, việc đánh bắt thường phải thực hiện vào ban đêm, vì ban ngày nước trong nên cá không mắc lưới. Hơn nữa, do nhiều người dân dùng hình thức đánh bắt tận diệt nên thuỷ sản cạn kiệt, tôm cá không còn nữa. Tuỳ con nước đứng đến đâu thì phải theo làm đến đó. Có khi phải đi cả trăm cây số ra tận Thanh Chương (Nghệ An) hoặc gần hơn thì lên Linh Cảm (Đức Thọ, Hà Tĩnh) mới mong có cá to.

Mỗi lần đi thả lưới, quăng chài kiếm sống, do không có người trông coi nên anh Hiệp lại mang theo vợ con trên “ngôi nhà di động”, vì thế, cậu con trai cả (SN 2004) cũng chỉ học đến lớp 5 thì nghỉ rồi theo cha hành nghề sông nước.

Cuộc sống dần trôi, chiếc thuyền đã trở nên chật chội khi các con lớn dần. Gần đây, anh chị gom góp tiền mua thêm một chiếc thuyền lớn hơn, cắm ngay tại hói Eo Bù đầu làng - một nhánh đổ ra sông Lam để làm chỗ trú ngụ. Kể từ đó, các con không phải đi theo khiến anh chị yên tâm hơn mỗi lần đi đánh bắt xa. “Khi trời yên gió lặng thì đã đành, còn khi ra sông lớn mà gặp dông lốc thì rất nguy hiểm, sóng gió có thể nhấn chìm cả nhà bất cứ lúc nào, giữa đêm hôm sông nước không biết cầu cứu vào ai” anh Hiệp chia sẻ.

Trên chiếc thuyền khoảng 16m2 cho 5 người nương náu, chủ yếu là ngồi và nằm, di chuyển thì phải bò chứ ít khi được đứng, đồ đạc cũng không có gì đáng giá kể cả tivi, quạt mát do ở đây chưa có điện lưới. Hiện tại, gia đình anh Hiệp sử dụng bình ắc quy để thắp sáng và cũng dùng rất hạn chế, bởi mỗi lần hết điện phải gánh ắc quy lên bờ và mất mấy chục nghìn thuê sạc nhưng chỉ dùng được khoảng 10 ngày.

Ngoài khó khăn về mưu sinh thì nước sinh hoạt là một vấn đề rất nan giải. Hàng ngày, gia đình anh Hiệp phải sử dụng nước sông để ăn uống mà không qua hệ thống lọc hay xử lý. Cứ múc lên để vài ngày cho lắng cặn xuống thì nấu ăn nên không đảm bảo vệ sinh, còn tắm giặt thì trực tiếp ngay tại sông. Cũng theo anh Hiệp, ở trên bờ, nếu gặp dông bão thì con cái đóng cửa ở trong nhà là bố mẹ yên tâm. Còn ở dưới thuyền, khi bố mẹ đi làm mà gặp dông bão thì rất lo cho con, sợ lỡ thuyền trôi, con ngã, mưa gió thấm dột, ướt át.

Cũng giống như gia đình anh Hiệp, gia đình anh cũng 5 nhân khẩu chen chúc nhau trên chiếc thuyền chật hẹp, con lớn của anh chị đã đến tuổi lập gia đình, nhưng vì chưa có nơi ăn chốn ở ổn định, thương con nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn. “Nghề sông nước ngày càng khó khăn, lưới chài cả mấy tháng nay treo nhà, cuộc sống rất vất vả. Bố mẹ thì không nói đến nữa, chỉ mong dự án sớm hoàn thành để con cái thoát khỏi cuộc sống tạm bợ, có cơ hội tìm kiếm tương lai”, anh Hòa bộc bạch.

Giấc mơ an cư sắp thành sự thật

Đợt lũ 2020 khiến hàng ngàn ngôi nhà ở ven bờ sông La bị nhấn chìm, đe doạ trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân, đặc biệt là 62 hộ dân sống chủ yếu bằng nghề sông nước tại thôn Tiền Phong (xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng chủ trương đưa các hộ dân vạn chài lên bờ, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Tập đoàn TNG Holdings Việt Nam, Công ty TNHH Janus Capital. Công trình nhà ở kết hợp tránh trú bão lụt liền kề được khởi công xây dựng vào cuối năm 2021, gồm 24 căn với tổng mức đầu tư 7,9 tỷ đồng (chưa tính xây dựng hạ tầng giao thông). Mỗi căn được thiết kế 2 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng là 113m2 (trong đó tầng 1 để trống với diện tích 51m2; tầng 2 được bố trí 2 phòng ngủ, phòng khách, bếp và 1 phòng vệ sinh với tổng diện tích là 62m2).

ha tinh xom van chai ven bo song la sap het kiep lenh denh
Giấc mơ an cư trên bờ của những ngư dân làng chài thôn Tiền Phong sắp trở thành sự thật.

Đến thời điểm hiện nay, 10 căn nhà đầu tiên đang được hoàn thiện, gần 600m nền đường nội bộ cũng được doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư để người dân đi lại thuận lợi hơn. 14 căn nhà còn lại có 7 căn đã đổ sàn tầng 1; 7 căn đang được triển khai thi công phần nền móng.

Hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh đang yêu cầu các đơn vị thi công tập trung nhân lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình và đúng thiết kế để sớm đưa vào sử dụng, góp phần ổn định cuộc sống của các hộ dân. Đồng thời, cũng yêu cầu các đơn vị thi công sớm hoàn thiện hệ thống đường giao thông, kênh mương thoát nước và trồng cây xanh tạo cảnh quan.

Phương Dung

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load