Thứ hai 29/04/2024 13:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Tĩnh: Tỷ lệ đô thị hóa đã đạt trên 30%

08:08 | 03/09/2023

(Xây dựng) – Do chú trọng vào công tác lập quy hoạch và xây dựng, tập trung huy động các nguồn lực, hiện nay, quy mô đô thị của tỉnh Hà Tĩnh được mở rộng, tỷ lệ đô thị hoá đã đạt trên 30,45%.

Hà Tĩnh: Tỷ lệ đô thị hóa đã đạt trên 30%
Một góc thành phố Hà Tĩnh.

Từ số liệu của Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, đến nay, tỉnh này có 16 đô thị gồm: 1 đô thị loại II (thành phố Hà Tĩnh), 1 đô thị loại III (thị xã Kỳ Anh), 1 đô thị loại IV (thị xã Hồng Lĩnh) và 13 đô thị loại V (các thị trấn: Xuân An, Tiên Điền, Vũ Quang, Tây Sơn, Phố Châu, Đức Thọ, Hương Khê, Nghèn, Đồng Lộc, Thạch Hà, Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Lộc Hà).

Hơn hết, tỉnh Hà Tĩnh đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, bất động sản, thương mại, dịch vụ, du lịch... tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành các trung tâm kinh tế mới từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng nhanh tỉ lệ đô thị hóa.

Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn vào hoạt động tại thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh… góp phần thu hút lao động, chuyển dịch dân cư từ nông thôn lên thành thị, tăng nhanh tỉ lệ người dân tại các đô thị.

Những dự án xây dựng hạ tầng có quy mô tại các địa phương đã hoàn thành và đang triển khai cũng tạo hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị nhanh và bền vững.

Đặc biệt, Hà Tĩnh đã và đang tập trung rà soát hệ thống các quy hoạch chung xây dựng đô thị toàn tỉnh. Trong các năm 2020 đến năm 2023, Sở Xây dựng đã phối hợp các Sở, ngành, địa phương phê duyệt đề án phát triển thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh.

Đồng thời, lập quy hoạch vùng huyện Hương Khê, huyện Kỳ Anh; điều chỉnh quy hoạch vùng Lộc Hà, Đức Thọ; lập quy hoạch chung đô thị Nầm (huyện Hương Sơn), thị trấn Thạch Hà; triển khai điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh, thị trấn Lộc Hà, thị trấn Đức Thọ, thị trấn Cẩm Xuyên và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; điều chỉnh các quy hoạch phân khu đô thị, các khu chức năng, quy hoạch chi tiết các khu tái định cư phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Hà Tĩnh: Tỷ lệ đô thị hóa đã đạt trên 30%
Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 30,45%.

Cuối năm 2022, các dự án quan trọng cũng được tỉnh tích cực triển khai như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh; Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2; Dự án Nhà máy Sản xuất Pin VinES; Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh; Trung tâm Điều hành hệ thống năng lượng công nghệ cao và Nhà máy Thuỷ điện Vũ Quang; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng; và một số khu tái định cư trên địa bàn thị xã Kỳ Anh…

Ông Nguyễn Quốc Hà - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: Từ việc chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng; tập trung đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược một cách đồng bộ, đến năm 2023, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đã đạt trên 61%, tỷ lệ đô thị hoá toàn tỉnh Hà Tĩnh đạt trên 30,45%.

Thời gian tới, nhằm thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện, điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch chung; huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Tỉnh ưu tiên phát triển những tuyến đường giao thông góp phần mở rộng không gian đô thị, kết nối các trung tâm kinh tế trong và ngoài tỉnh theo đúng định hướng quy hoạch, các dự án hạ tầng phục vụ phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch...

Ngoài ra, tập trung hoàn thiện hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, mạng lưới điện, các công trình công cộng, hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính, viễn thông... để nâng cao chất lượng đời sống của cư dân đô thị.

Ghi nhận những kết quả đã đạt và nêu rõ phương hướng chỉ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, ông Trần Thế Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay, tỉnh đang tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trọng tâm là “4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 1 trung tâm động lực tăng trưởng”;

Tập trung nguồn lực phát triển Khu kinh tế Vũng Áng và trục ven biển Xuân Hội - Vũng Áng là động lực phát triển trung tâm, chiến lược. Triển khai hiệu quả các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, các dự án đầu tư lớn nhằm tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng.

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, chất lượng dịch vụ công, gắn với cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.

Đối với việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh Hà Tĩnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; rà soát, bãi bỏ, điều chỉnh, bổ sung, lập mới các quy hoạch phù hợp với Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch quốc gia.

Triển khai có hiệu quả các nội dung đã ký kết tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy số 28-CTr/TU ngày 05/5/2023 thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

Uyên Uyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load