Chủ nhật 21/07/2024 10:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Tĩnh: Thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn còn nhiều bất cập

22:10 | 18/07/2024

(Xây dựng) - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Hà đã giải đáp nhiều vấn đề xoay quanh việc chậm tiến độ lập quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch xây dựng đô thị, nhà ở xã hội chưa được quan tâm đầu tư…

Hà Tĩnh: Thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn còn nhiều bất cập
Ông Nguyễn Quốc Hà, Giám đốc Sở Xây dựng trả lời chất vấn nhiều vấn về lĩnh vực quy hoạch được cử tri quan tâm.

Trước nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay là rất lớn, nhưng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, ông Nguyễn Quốc Hà cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị đã thực hiện việc dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, trên địa bàn đang triển khai 1 dự án nhà ở xã hội độc lập là dự án thí điểm nhà ở xã hội tại phường Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh). Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào sử dụng 3 block với 488 căn hộ. Hiện, đang thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 với quy mô 3 tòa nhà cao 11 tầng bố trí hơn 500 căn hộ, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2027.

Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội trong thời gian tới, UBND tỉnh đã có quyết định bổ sung 2 vị trí khu vực phát triển nhà ở xã hội tại thành phố Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh với tổng quy mô đất 99,5ha.

Tuy nhiên, việc đầu tư nhà ở xã hội hiện nay trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ vốn của doanh nghiệp. Do vốn đầu tư bỏ ra lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao, trong khi đó gói hỗ trợ lãi suất vay của Trung ương chậm triển khai, lượng vốn hỗ trợ cho vay thấp. Do vậy, các nhà đầu tư chưa quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này dẫn đến việc thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn còn chậm.

Thời gian tới, Sở sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trên địa bàn cụ thể theo từng năm; rà soát, xem xét sự cần thiết điều chỉnh, bổ sung chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2030 theo quy định, làm cơ sở để chấp thuận, thu hút đầu tư các dự án nhà ở xã hội; đẩy nhanh thủ tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội; triển khai hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội và người mua nhà tiếp cận chương trình cho vay ưu đãi theo quy định

Hà Tĩnh: Thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn còn nhiều bất cập
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII.

Với vấn đề được quan tâm về tình trạng chậm tiến độ lập quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch xây dựng đô thị. Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Hà Tĩnh có 16 đô thị hiện hữu, 18 đô thị dự kiến hình thành. 16/16 đô thị hiện hữu đã có quy hoạch chung; 17/18 đô thị mới chưa có quy hoạch chung được duyệt. Nguyên nhân tiến độ lập quy hoạch đô thị còn chậm do việc xác định ranh giới lập quy hoạch chung một số đô thị cần thống nhất với phương án sắp xếp địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị yêu cầu về trình tự, thủ tục kéo dài; quá trình lập quy hoạch đòi hỏi phải phân tích nhiều yếu tố… Do đó, cần có thời gian để đơn vị tư vấn lập quy hoạch khảo sát, đánh giá hiện trạng và tính toán khoa học, cụ thể.

Bên cạnh đó, các địa phương chưa chủ động, tập trung vào công tác quy hoạch đô thị; nhiều địa phương không thực hiện rà soát quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị; kinh phí bố trí cho công tác lập quy hoạch nói chung và quy hoạch đô thị còn hạn chế; một số đơn vị tư vấn có năng lực hạn chế, làm kéo dài thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; công tác thẩm định, tham mưu UBND tỉnh một số quy hoạch đô thị của Sở Xây dựng có lúc còn chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu…

Về giải pháp, theo ông Nguyễn Quốc Hà cho hay: Cần tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các địa phương kịp thời triển khai lập mới hoặc điều chỉnh các quy hoạch đô thị để phù hợp với quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn theo hướng đơn giản quy trình, thời gian, thủ tục trong lập quy hoạch đô thị; kiểm soát chặt chẽ năng lực của các đơn vị tư vấn; kịp thời xử lý các đơn vị có năng lực không đảm bảo yêu cầu…

Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Ngọc Huấn đã lý giải vấn đề về việc xác định giá đất cụ thể tiến độ chậm, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư?

Ông Lê Ngọc Huấn cho biết: Công tác xác định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt và bám sát quy định của pháp luật.

Từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở trình Hội đồng Thẩm định giá đất tỉnh thẩm định giá đất đối với 17 dự án. Tới nay, Hội đồng đã thẩm định thống nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường trình và UBND tỉnh đã phê duyệt giá đất cụ thể đối với 11 dự án. 6 dự án đã được Hội đồng thẩm định và giao Sở chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện, chỉnh sửa, bổ sung phương án giá đất.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, tiến độ xác định giá đất các dự án theo phương pháp thặng dư trên địa bàn tỉnh đã chậm tiến độ so với yêu cầu. Nguyên nhân do vướng mắc các quy định pháp luật; khó khăn trong việc thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất; một số dự án diện tích đất theo quy hoạch được duyệt còn chênh lệch so với diện tích được giao đất, cho thuê đất; trong quyết định chấp thuận nhà đầu tư và hợp đồng thực hiện dự án chưa cụ thể, thiếu thông tin; hồ sơ phê duyệt dự án đầu tư của nhà đầu tư còn sơ sài, thiếu thông tin, chưa thống nhất…

Phương Dung

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load