Thứ sáu 08/11/2024 20:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Hà Tĩnh: Quyết định “chưa chuẩn” làm khó người dân và doanh nghiệp

16:39 | 07/11/2019

(Xây dựng) – Vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 57/2019/QĐ-UBND ngày 18/10/2019 có hiệu lực từ 29/10/2019, quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất và đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ngay khi Quyết định có hiệu lực đã tạo nên áp lực cho người dân và doanh nghiệp tham gia đấu giá trên địa bàn tỉnh vì nhiều quy định trái với Luật Đấu giá tài sản hiện hành.

Hà Tĩnh: Quyết định “chưa chuẩn” làm khó người dân và doanh nghiệp
Khách hàng trúng đấu giá (giữa) tại cuộc đấu giá Thép Vạn Lợi 205 tỷ đồng.

Theo đó, tại Điều 14, quy định hình thức đấu giá và phương thức đấu giá trái với Điều 40, Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định 04 hình thức đấu giá, nhưng Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh lại quy định bắt buộc 02 hình thức trong 01 hình thức đấu giá, đặc biệt không có hình thức đấu giá trực tuyến nên chưa thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Quy định này vừa thừa, vừa thiếu gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động đấu giá trên địa bàn tỉnh.

Tại Điểm g, Khoản 1, Điều 24 về trình tự đấu giá theo hình thức kết hợp bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tiếp tại cuộc đấu giá không phù hợp với Điều 43 của Luật Đấu giá tài sản quy định về đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp.

Theo Điều 43, Luật Đấu giá tài sản thì đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp có quyền công bố người có phiếu trả giá cao nhất là người trúng đấu giá. Tuy nhiên, tại Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh là quy định “Lựa chọn số tổ chức cá nhân có từ 03 mức giá cao nhất trở lên tham gia đấu giá vòng tiếp theo” là không phù hợp thực tế, trái với quy định của Luật Đấu giá tài sản gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tham gia đấu giá.

Việc tổ chức đấu giá theo hình thức bỏ phiếu kín gián tiếp nhằm hạn chế “cò đấu giá” làm thất thoát ngân sách Nhà nước, phòng chống việc móc nối tham ô điều chỉnh giá tài sản, đảm bảo công bằng giữa chủ tài sản và khách hàng. Thế nên trong hình thức đấu giá bỏ phiếu kín gián tiếp, người tham gia đấu giá đã trả giá cao nhất cho tài sản họ muốn mua rồi nhưng vẫn phải tham gia đấu giá vòng tiếp theo (đấu giá trực tiếp tại cuộc đấu giá) là không phù hợp, trái với các quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Bên cạnh đó, Điều 10 tại Quyết định số 57/2019/QĐ-UBND ngày 18/10/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa đúng với Khoản 1, Điều 5 của Luật Đấu giá tài sản quy định “Bước giá là mức chênh lệch tối thiểu của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên…”. Việc UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định trả giá bằng số nguyên lần bước giá là không phù hợp với thực tiễn và trái với quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Để đảm bảo quyền lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần điều chỉnh “Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất và đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” ban hành kèm theo Quyết định số 57/2019/QĐ-UBND ngày 18/10/2019 đúng Luật Đấu giá tài sản 2016 và phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Cũng cần nói thêm với UBND tỉnh Hà Tĩnh, đây không phải là lần đầu tiên UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện đấu giá và việc này các tỉnh khác cũng đã thực hiện thường xuyên khi Luật Đấu giá ra đời, vì vậy dù bằng cách nào cũng phải tuân thủ Luật Đấu giá, đảm bảo kỷ cương pháp luật.

Bảo Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load