(Xây dựng) - Tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung tháo gỡ nút thắt vướng mắc, nhằm giúp nhóm lao động tự do sớm được hưởng chính sách hỗ trợ khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Đến nay, Hà Tĩnh đã tiến hành chi trả cho 165.323 đối tượng thuộc nhóm đối tượng chính sách (người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo). |
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, đến ngày 7/6, 13/13 huyện, thành phố, thị xã đã thực hiện chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ cho 165.323 đối tượng thuộc nhóm đối tượng chính sách (người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo).
Tổng kinh phí chi trả hơn 191,7 tỷ đồng, còn lại 8.281 người chưa chi trả được do đối tượng được hưởng không có mặt tại địa bàn, một số đối tượng trùng chính sách (đã hưởng ở chính sách khác).
5 nhóm đối tượng còn lại đang được địa phương gấp rút triển khai. Đến nay đã có 197 đơn vị nộp hồ sơ đề nghị ngành Lao động Thương binh và Xã hội xác nhận và đã có 96 đơn vị được cơ quan bảo hiểm xã hội cho tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất trong thời gian 3 - 6 tháng, đối với 2.752 lao động.
Người lao động tạm ngừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, tính đến 30/4 có 617 doanh nghiệp báo cáo có 453 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và 8.329 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.
Ông Hoàng Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Quá trình giám sát việc thực hiện gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho thấy, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện cơ bản đúng quy trình, đúng mục đích, công khai, dân chủ, minh bạch, chính xác, kịp thời, không bỏ sót đối tượng.
Chưa phát hiện trường hợp nào sai sót, không đúng quy định hay lợi dụng, trục lợi chính sách. Chưa có đơn thư khiếu nại, tố cáo nào của cán bộ, nhân dân liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15.
Tuy nhiên, hạn chế là công tác tuyên truyền tại một số địa phương chưa hiệu quả khiến một số người dân chưa nắm bắt được chính sách và chưa xác định được mình thuộc đối tượng nào. Nhất là các đối tượng lao động tự do và hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được quy định tại Điều 1, Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ có những khó khăn, bất cập.
Cụ thể, về mốc thời gian để xem xét: Người lao động được xem xét, giải quyết các chính sách hỗ trợ khi thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/4/2020 đến ngày 01/6/2020. Như vậy, đối với những lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trước ngày 01/4/2020 sẽ không thuộc đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 15.
Có rất nhiều trường hợp người lao động đã tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ cuối tháng 2 và tháng 3/2020, nhất là đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, xuất khẩu lao động phải dừng các hoạt động theo chủ trương của Bộ, ngành, Trung ương và UBND tỉnh để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Với những đối tượng áp dụng theo quy định tại Điều 1 của Quyết định 15, chỉ xem xét và giải quyết chính sách đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp.
Như vậy, người lao động có đóng bảo hiểm xã hội và làm việc theo hợp đồng lao động tại các đơn vị, tổ chức không thuộc loại hình hoạt động của doanh nghiệp sẽ không được xem xét, giải quyết chính sách theo Quyết định 15 cho dù người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Phương Dung
Theo