(Xây dựng) - Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh, về việc khảo sát phục vụ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu tại buổi làm việc. |
Ngày 4/10/2001, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chính thức có hiệu lực, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và đề cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động phòng cháy, chữa cháy. Dù vậy, quá trình thi hành qua một thời gian dài đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đang được chỉnh lý gồm 9 chương, 65 điều. Ngoài những quy định chung, dự thảo đã đề xuất bổ sung nhiều hành vi bị cấm trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; giảm bớt yêu cầu đối với quy hoạch dự án xây mới khu công nghiệp; sửa yêu cầu đối với thiết kế xây dựng công trình phải có giải pháp phòng cháy, chữa cháy; bổ sung quy định về nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; điều chỉnh một số yêu cầu cơ bản về phòng cháy đối với cơ sở kinh doanh; đề xuất phòng cháy, chữa cháy khi sử dụng điện…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, việc cho ý kiến vào các dự thảo luật được UBND tỉnh hết sức quan tâm. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ, đặc biệt là các quy định liên quan tới ngành, lĩnh vực của đơn vị để đóng góp các ý kiến chất lượng, sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi dự thảo luật được Quốc hội thông qua. UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị góp ý vào dự thảo luật đảm bảo nội dung, yêu cầu đề ra; việc cho ý kiến cần đảm bảo tính chặt chẽ về mặt pháp lý nhưng cũng tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội…
Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: BHT) |
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu đánh giá các quy định mới có tính khả thi cao, cơ bản phù hợp với tình hình hiện nay.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã góp ý về các quy định về thẩm định, thẩm tra, nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Điều 16, 17) theo hướng quy định thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy do cơ quan công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; chủ đầu tư, chủ cơ sở tự tổ chức thẩm tra thiết kế về phòng cháy, chữa cháy...
Đối với quy định về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Điều 18, 19, 20, 21, 22) đề nghị chỉnh lý, bổ sung quy định về phòng cháy đối với nhà ở theo hướng quy định Nhà nước khuyến khích hộ gia đình lắp đặt thiết bị, có chức năng báo cháy và kết nối với hệ thống truyền tin báo cháy, trừ trường hợp đối với nhà ở tại các thành phố trực thuộc Trung ương không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy sẽ giao Chính phủ quy định lộ trình việc lắp đặt thiết bị có chức năng báo cháy và kết nối với hệ thống truyền tin báo cháy.
Các ý kiến cũng cho rằng, cần bỏ quy định về kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy (Điều 54) nhằm tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho cơ sở, doanh nghiệp trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; cần nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung một số từ ngữ trong các Điều 7, 13, 15.
Cũng tại buổi làm việc, đại biểu đã nghe kết quả về các mặt phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ như: Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; việc xử lý các cơ sở, công trình chưa đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng; công tác thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; xử lý vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; điều tra nguyên nhân vụ cháy...
Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh. |
Cho ý kiến về thực trạng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, các đại biểu đề cập tới những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, đưa ra kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo rà soát lại các quy định pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; sớm ban hành, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định cũ; đặc biệt là Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; quan tâm chế độ, chính sách đối với lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ…
Tại buổi làm việc, Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội ghi nhận, các báo cáo đã bám sát tình hình, phản ánh đầy đủ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Các đại biểu đã phát huy trách nhiệm, đưa ra nhiều ý kiến góp ý chất lượng. Đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp để Ủy ban Quốc phòng An ninh cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đối chiếu, rà soát, chỉnh lý dự thảo luật phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh mong muốn UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động bởi sự điều chỉnh của luật này tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nội dung góp ý, hoàn chỉnh báo cáo.
Thủy Linh - Lê Minh
Theo