(Xây dựng) - Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh, tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động rà soát, xây dựng các kịch bản tăng trưởng và bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội hậu dịch bệnh. Trong đó, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được coi là một giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sau dịch mà tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai.
Việc thực hiện đúng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần giúp cho địa phương phát triển, bù đắp những thiệt hại trong tăng trưởng kinh tế do tác động xấu từ tình hình dịch bệnh. |
Theo báo cáo, tính đến tháng 4/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt 1.012,2 tỷ đồng/8.822,3 tỷ đồng kế hoạch vốn giao, bằng 11,47%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nguồn vốn các dự án do bộ, ngành Trung ương quản lý đạt 8,5% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách địa phương quản lý đạt 6,5% kế hoạch; nguồn vốn ODA đạt 5% kế hoạch.
Được biết, từ đầu năm đến nay, nguồn vốn được sử dụng chủ yếu thi công các dự án chuyển tiếp từ năm 2020, các dự án lớn khởi công mới đang hoàn thiện hồ sơ và chờ giao vốn để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là giải pháp mang tính chủ đạo mà Hà Tĩnh đang tích cực triển khai để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế. Việc thực hiện đúng tiến độ sẽ góp phần giúp cho địa phương phát triển, bù đắp những thiệt hại trong tăng trưởng kinh tế do tác động xấu từ tình hình dịch bệnh.
Vì vậy, để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 100%, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Văn bản số 3098 yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thực hiện nghiêm túc các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt quan trọng trong triển khai dự án; cần huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, thực hiện nhanh công tác bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án trên địa bàn. Khẩn trương nhập dự toán chi tiết nguồn vốn ngân sách xây dựng cơ bản tập trung bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện năm 2021; hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/6/2021.
Về phía các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, khởi công các công trình khởi công mới; đặc biệt là các dự án đã được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nhưng đến nay chưa hoàn thành thủ tục.
Tăng cường kiểm tra, đốn đốc; phối hợp với đơn vị thi công lập đường găng tiến độ chi tiết để chỉ đạo, theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình thi công; yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc vi phạm tiến độ; trường hợp cần thiết, chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác để đẩy nhanh tiến độ.
Khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán với Kho bạc Nhà nước và hoàn ứng theo quy định; không để dồn thanh toán vào cuối năm. Đảm bảo tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/6/2021 đạt trên 50% kế hoạch (đối với các dự án được giao kế hoạch vốn đầu năm và sử dụng vốn các năm trước kéo dài sang).
Rà soát, báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân các dự án; báo cáo rõ nguyên nhân chậm giải ngân, nhất là các dự án chưa giải ngân; các vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu, giải phóng mặt bằng... đề xuất các giải pháp cụ thể; định kỳ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Phương Dung
Theo