Chủ nhật 28/04/2024 20:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Tĩnh: Chuyển đổi số giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng

14:59 | 13/12/2022

(Xây dựng) - Với những bước đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã và đang làm thay đổi diện mạo của ngành Nông nghiệp Hà Tĩnh. Việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.

Hà Tĩnh: Chuyển đổi số giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng
Người dân vận hành trạm giám sát nông nghiệp thông minh.

Nâng cao năng suất lao động nhờ giám sát bằng camera

Thực tế, nhiều địa phương tại Hà Tĩnh đã thí điểm công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới và thu hoạch đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh. Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu và giám sát đều được thực hiện qua điện thoại. Những ứng dụng này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và công sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%, từ đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân.

Có thể những địa phương khác cũng quy hoạch được vườn hộ theo lớp lang, song ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà trở thành xã đặc biệt nhất tỉnh Hà Tĩnh bởi hầu hết các tiến bộ khoa học công nghệ đều đã được địa phương này ứng dụng thành công vào sản xuất rau củ quả. Cụ thể là sản xuất rau VietGAP và theo hướng hữu cơ có gắn camera giám sát.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Trọng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh cho biết: “Nhãn hiệu Tượng Sơn được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu tập thể là điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của sản phẩm rau củ quả xã Tượng Sơn trên thị trường; hạn chế nguy cơ chiếm đoạt nhãn hiệu, góp phần tạo ra cơ hội và lợi ích lớn hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Theo ông Trọng, nhãn hiệu tập thể “Tượng Sơn rau củ quả sạch huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh” là 1 trong 15 sản phẩm được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý trong toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Hà (xã Tượng Sơn) chia sẻ, những năm 2015 – 2016, nông dân Tượng Sơn bắt đầu bén duyên với mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Từ một vài hộ tham gia, đến tháng 10/2019 – khi thương hiệu rau Tượng Sơn được chứng nhận VietGAP thì tổng số hộ tham gia đã lên tới con số 256/7 thôn.

Thời điểm đó, đang giai đoạn cao trào xây dựng mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng Nông thôn mới nên khi Tượng Sơn phát triển được những vườn hộ mang lại hiệu quả kinh tế hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng khiến nhiều địa phương ngưỡng mộ, đến học tập kinh nghiệm. Cuối năm 2020, để làm sạch môi trường, tăng tính kỷ luật trong sản xuất, xã Tượng Sơn lắp đặt 10 mắt camera giám sát hoạt động sản xuất tại các hộ dân thôn Hà Thanh. Năm nay, xã mở rộng thêm 10 mắt camera tại thôn Sâm Lộc và Thượng Phú

“Những hộ dân này đang từng bước chuyển từ sản xuất VietGAP sang theo hướng hữu cơ, an toàn. Tất cả quy trình sản xuất đều phải ghi nhật ký bằng… clip và chịu sự giám sát thông qua hệ thống máy chủ đặt tại Hợp tác xã Hoàng Hà”, ông Sơn nói.

Kết nối trực tiếp với người tiêu dùng

Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái để mang sản phẩm đến người tiêu dùng thì ngày nay, chuyển đổi số giúp người bán và người mua kết nối trực tiếp với nhau. Nhiều địa phương đã xúc tiến mua bán nông sản qua các kênh thương mại điện tử. Theo thông tin từ Sở Công Thương, đến nay, sàn thương mại điện tử Hà Tĩnh đã giới thiệu, bày bán 302 mặt hàng là sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

Hà Tĩnh: Chuyển đổi số giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng
Hệ thống máy chủ được đặt tại Hợp tác xã Hoàng Hà để theo dõi, giám sát quá trình sản xuất của người dân.

Hộ ông Hoàng Thanh Tam, thôn Hà Thanh tham gia mô hình thí điểm khu dân cư thông minh theo phần mềm do Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Công ty TNHH MTV Giftmark thực hiện.

Gia đình ông được lắp 1 mắt camera tại khu vực trồng rau củ quả; cấp 1 mã (tem) QR. Mã QR này được đóng công khai ngay trước nhà, tích hợp các thông số do hộ gia đình khai báo như diện tích vườn, các loại cây trồng, quy trình chăm sóc, bón phân cho cây và công tác vệ sinh môi trường...

Khi đến nhà ông Tam, người khác chỉ cần dùng điện thoại thông minh có ứng dụng Zalo và quét QR thì sẽ biết được các thông tin về loại cây trồng, quy trình chăm sóc vườn hộ của gia đình ông. Đặc biệt, khi gia đình có các sản phẩm như rau, củ, quả hoặc con gà, quả trứng... cần bán thì ông Tam chỉ cần chụp ảnh, quay video, khai báo số lượng và nhập vào hệ thống thì người cần mua hoặc người quản lý (Hợp tác xã Hoàng Hà) sẽ biết để thu mua hoặc giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.

Hiện, vườn rau gần 1.000m2 của hộ ông Tam đang sản xuất bí xanh, cà dừa, ớt và mướp. Bình quân mỗi năm thu nhập giao động từ 80-100 triệu đồng. Điển hình cho hiệu quả của mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ chính là trường hợp của anh Nguyễn Văn Hà, cùng trú thôn Hà Thanh. Từ năm 2020 đến nay, sau khi thực hiện chủ trương xóa bỏ vườn tạp, quy hoạch lại vườn hộ, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Hà vay mượn thêm vốn liếng đầu tư sản xuất rau củ quả trên diện tích hơn 1.000m2.

“Nhờ sự chăm chỉ cộng với định hướng sản xuất cây trồng theo mùa vụ hợp lý của hợp tác xã nên 2 năm qua, bình quân mỗi năm gia đình anh Hà thu lợi nhuận từ 100-120 triệu đồng”, ông Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Hà đánh giá.

Theo ông Sơn, ngoài việc giám sát vườn hộ thông qua camera giám sát, hợp tác xã có trách nhiệm điều tiết, định hướng sản xuất cho người dân. Ví dụ hộ ông Trần Văn Báu trồng cà xanh, rau mồng tơi thì hộ ông Nguyễn Văn Hà phải trồng bí xanh, mướp đắng, rau dền còn bà Nguyễn Thị Nguyệt sản xuất mướp ngọt, rau cải, cà tím… Việc điều chỉnh này nhằm tránh tình trạng mất cân đối sản lượng, ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm.

Trong tương lai, để chủ động trong việc quản lý và phát triển giá trị của sản phẩm rau củ quả Tượng Sơn, Hội Nông dân xã Tượng Sơn sẽ tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực cho các tổ chức, cá nhân trong quản lý, khai thác, phát triển thương hiệu, chất lượng sản phẩm...

Ngoài ra, địa phương cũng sẽ phát huy hệ thống quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đã được dự án xây dựng; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; tiếp tục sản xuất rau sạch đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí, tiến tới sản phẩm hữu cơ hoàn toàn.

Uyên Uyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load