Thứ sáu 26/04/2024 22:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Tĩnh: 244 dự án chậm tiến độ, chưa thực hiện đúng cam kết đầu tư

15:21 | 16/12/2021

(Xây dựng) - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh: Trong tổng số trên 1.400 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh có 294 dự án chậm tiến độ. Trong đó, đã tiến hành thu hồi 50 dự án, ra quyết định xử phạt hành chính 88 dự án với số tiền 88 tỷ đồng.

ha tinh 244 du an cham tien do chua thuc hien dung cam ket dau tu
Ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII.

Theo ông Trần Việt Hà: Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.400 dự án đầu tư, trong đó trên 1.326 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 117.000 tỷ đồng và 74 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 13,7 tỷ USD. Bên cạnh những kết quả tích cực thì việc triển khai nhiều dự án vẫn còn chậm, chưa thực hiện đúng cam kết đầu tư.

Hiện nay, trên toàn tỉnh có 294 dự án chậm tiến độ (21,3%), trong đó đã tiến hành thu hồi 50 dự án, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư và ra quyết định xử phạt hành chính 88 dự án. Hiện tại, còn 244 dự án đang chậm tiến độ, phân theo 04 nhóm: đã thực hiện thủ tục thuê đất và đang triển khai đầu tư xây dựng 90 dự án; đã cho thuê đất nhưng chậm tiến độ kéo dài, không đưa vào sử dụng 45 dự án; chưa hoàn thành gải phóng mặt bằng, chưa được cho thuê đất 46 dự án; chưa được cho thuê đất do vướng mắc quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020: 50 dự án (100% đất do Nhà nước quản lý). Riêng Khu kinh tế Vũng Áng có thêm nhóm dự án đầu tư thuê lại đất trong các khu công nghiệp 13 dự án”.

Một số nguyên nhân được người đứng đầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh đưa ra như: năng lực một số nhà đầu tư hạn chế; công tác quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng còn bất cập, dẫn đến khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư; một số ngành, địa phương chưa thực sự sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát; quy định của pháp luật còn chồng chéo. Cùng với đó, dịch Covid-19 bùng phát cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Để đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ trong thời gian tới, theo ông Hà cần tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thực hiện chặt chẽ, hiệu quả khâu thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư; xây dựng và ban hành các quy định liên quan đến quản lý dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng công tác lập, điều chỉnh quy hoạch; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Sở, ngành và địa phương trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và các hồ sơ, thủ tục liên quan để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Liên quan đến 50 dự án (100% đất do Nhà nước quản lý/đất sạch) trong tổng số 244 dự án sử dụng đất chậm tiến độ chưa được cho thuê đất do vướng mắc quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020? Theo ông Hà: Đối với các dự án cho thuê đất đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất thì phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Căn cứ vào quy định này, các giải pháp sẽ là tiến hành kiểm tra và làm việc cụ thể từng dự án, chấm dứt dự án, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư không chấp thuận, chúng tôi sẽ phối hợp với các sở ngành, địa phương để tiếp tục xử lý.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuấn (huyện Vũ Quang) chất vấn: Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Tĩnh đứng top đầu cả nước, tuy nhiên cơ cấu nguồn vốn chưa đạt? Và giải pháp nào thúc đẩy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công?

Ông Trần Việt Hà lý giải một số nguyên nhân như: Công tác triển khai hoàn thiện thủ tục đầu tư còn chậm; năng lực trình độ của một số ban quản lý dự án còn hạn chế, chưa đáp ứng vấn đề thanh quyết toán, hoàn thiện hồ sơ; đề xuất đăng ký nhu cầu vốn chưa sát với khả năng triển khai thực tế, vẫn còn tâm lý đề xuất bố trí vốn cao nhưng khả năng giải ngân thấp… và các giải pháp được đưa ra: Tập trung cao cho công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác chỉ đạo xử lý khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương, đơn vị trong triển khai các dự án đầu tư công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch của đầu tư công; thực hiện nghiêm các chế tài, kỷ luật với các chủ đầu tư chậm tiến độ, không bố trí vốn với các chủ đầu tư chậm tiến độ.

Đại biểu Mai Ngọc Việt (huyện Thạch Hà) chất vấn: Tư lệnh Sở Kế hoạch và Đầu tư làm rõ chất lượng đầu tư của các công trình trên địa bàn không đảm bảo? “Các dự án đầu tư công được giao cho Ban quản lý dự án cấp tỉnh. Ban quản lý dự án có trách nhiệm phối hợp với tốt với địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng các công trình”, ông Hà nhấn mạnh.

Phương Dung

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load