Thứ ba 05/11/2024 07:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Hạ tầng Khu công nghiệp hút lượng lớn vốn FDI

16:04 | 08/03/2021

(Xây dựng) - Thị trường bất động sản, trong đó có bất động sản công nghiệp bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics ở Việt Nam được nhận định đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế.

ha tang khu cong nghiep hut luong lon von fdi
BĐS công nghiệp đang là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế (Ảnh: Internet).

Thực tế cho thấy, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 song Việt Nam vẫn tạo được uy tín lớn đối với bạn bè quốc tế khi kiểm soát dịch bệnh tốt, niềm tin của người dân với Chính phủ tăng bởi sự điều hành kịp thời, linh hoạt và khả năng thích nghi cao. Với hơn 60% dân số trong độ tuổi lao động, chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi… đây được coi là những lợi thế của Việt Nam so các khu vực lân cận.

Vì vậy, các chuyên gia bất động sản cho rằng, Việt Nam không nên bỏ lỡ cơ hội đón nhận sự chuyển dịch đầu tư quốc tế vào các Khu công nghiệp (KCN), đặc biệt là trong thời điểm này.

Theo Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhìn từ những nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ cho thấy, trong quý IV/2020, nền kinh tế nước ta đã có sự phục hồi bứt tốc với mức tăng trưởng 4,48%, đẩy GDP cả năm lên 2,91%.

Đây được xem là mức tăng trưởng xếp vào hàng cao trên thế giới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình dịch bệnh Covid-19.

Nhìn từ các chỉ số của nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt chỉ số về FDI và sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại vào thị trường Việt Nam, bất động sản công nghiệp được đánh giá là phân khúc sáng của thị trường nhà đất trong năm 2021, nhất là khi dịch bệnh được khống chế tốt, 2021 sẽ là năm bứt phá mạnh mẽ cả về nguồn cung và cầu của bất động sản công nghiệp.

Sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp được thể hiện rõ khi tính đến cuối tháng 2/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN đạt khoảng 5,30 tỷ USD và 324,9 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án hạ tầng 2,34 tỷ USD và 152,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 46,2% tổng vốn đầu tư đã đăng ký.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 370 KCN được thành lập, gồm 328 KCN nằm ngoài các khu kinh tế (KKT), 34 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu với tổng diện tích đất khoảng 115,2 nghìn ha. Diện tích đất công nghiệp chiếm khoảng 64% diện tích đất tự nhiên với khoảng 73,3 nghìn ha.

Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt khoảng 43,4 nghìn ha, ghi nhận tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 57,8%, riêng các KCN đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy khoảng 71,7%.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng.

Tại các vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ hiện có tổng cộng 208 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 71,8 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 46,2 nghìn ha, chiếm tương ứng 56,2% về số lượng và 62,3% về diện tích đất tự nhiên so với cả nước.

Đối với các KKT ven biển, quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm 19 KKT ven biển với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha (tính cả diện tích mặt biển) trong đó diện tích đất liền khoảng 582,3 nghìn ha (chiếm khoảng 1,75% diện tích đất cả nước) và 289,2 nghìn ha diện tích mặt biển.

Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong KKT ven biển đạt trên 30 nghìn ha, chiếm khoảng 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong KKT ven biển…

Bất động sản công nghiệp đang có lợi thế và tiềm năng phát triển, tuy nhiên theo các chuyên gia, nhìn vào các sản phẩm bất động sản công nghiệp hiện nay ở các địa phương, có thể thấy vẫn còn đơn điệu, thiếu sức hấp dẫn. Bất động sản công nghiệp không đơn thuần chỉ là nhà xưởng, mà phải có một quần thể, hạ tầng đồng bộ đi kèm. Vì vậy, muốn có được sản phẩm bất động sản công nghiệp hấp dẫn, đòi hỏi nhà đầu tư phải quy hoạch theo chiều sâu, tốn kém, dày công trên cơ sở đánh giá đúng tổng cầu của thị trường và nhu cầu thật sự của khách hàng.

Hơn nữa, những hạn chế, vướng mắc từ nhiều năm qua tại các doanh nghiệp đầu tư bất động sản công nghiệp hiện vẫn chưa thể giải quyết được, đó là vấn đề nhà ở và các khu sinh hoạt, giải trí cho những gia đình công nhân. Do đó, cần khuyến khích các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp thứ cấp cung ứng nhiều nhóm sản phẩm mới, ngoài nhà xưởng xây sẵn, kho lạnh, nhà xưởng xây theo yêu cầu…, còn chú ý hạ tầng thiết yếu như khu nhà ở công nhân, trường học, y tế, nơi vui chơi, giải trí… nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp. Từ đó, tạo nền tảng cho quá trình hình thành một thị trường bất động sản công nghiệp tiên tiến, hiện đại, luôn là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load