(Xây dựng) – Mỗi dịp hè về, không ít các bậc phụ huynh, các gia đình lại lo lắng, tìm kiếm khắp nơi những lớp học bán trú, lớp học bồi dưỡng, các trại hè… hoặc phải gửi con cho ông bà, người thân. Bởi, khi năm học kết thúc, trẻ em không phải đến trường, thì mùa hè là để vui chơi, giải trí, để trau dồi kỹ năng sống, dung nạp thêm nguồn năng lượng tích cực... Tuy nhiên, đáng buồn là tại Hà Nội cũng như các đô thị lớn khác lại “vắng bóng” không gian công cộng, không gian vui chơi dành cho trẻ em.
Sân chơi cho trẻ em đã thiếu, nay lại bị chiếm dụng vào các mục đích khác. |
Theo quan sát của phóng viên, những ngày cuối tuần và các buổi chiều tối, tại khu vực như hồ Tây, công viên Thành Công, công viên Yên Sở, khu vực phố đi bộ, hay các trung tâm thương mại, siêu thị… chật kín người đến vui chơi, hóng mát, tập thể dục hoặc mua sắm, đi dạo. Thực trạng này phần nào cho thấy cuộc sống người dân đô thị đang ngày càng bị bó hẹp, thiếu hụt không gian công cộng, không gian xanh phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, thư giãn… tại các khu dân cư, khu đô thị.
Hàng quán “chen” giữa khu sinh hoạt chung. |
Có thể thấy, không gian công cộng của Hà Nội đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị mới mọc lên trong khi diện tích đất dành cho mục đích công cộng không được chú trọng. Bên cạnh đó, không gian công cộng còn đang bị hiện tượng thương mại hóa, tư nhân hóa. Diện tích vỉa hè bị lấn chiếm bởi các hộ kinh doanh do sự phân biệt về công, tư không rõ ràng. Trong khi nhiều nơi không gian công cộng phải nhường chỗ cho những bãi đỗ xe hay việc mở rộng hạ tầng giao thông.
Xe cộ, quán xá, ghế nhựa… khiến không gian sinh hoạt chung đã bé, nay lại thu hẹp hơn. |
Khảo sát tại một số khu tập thể cũ như: Khu vực Nguyễn Công Trứ, Phạm Ngọc Thạch, Kim Liên… PV Báo điện tử Xây dựng nhận thấy hiện tượng thiếu sân chơi chung, hoặc sân chơi chung bị biến tướng, chiếm dụng vào mục đích khác đang diễn ra tràn lan. Những chỗ để trẻ em leo trèo, chơi bập bênh hoặc các cụ già tập dưỡng sinh, ngồi ghế đá cũng bị lấn chiếm. Cụ thể, các sân chơi bị hàng quán, các điểm trông giữ xe, chợ cóc... lấn chiếm; sân chơi không đảm bảo an toàn cho các em như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn hoặc sân chơi ở xa khu dân cư, dẫn đến nguy cơ mất an toàn, trẻ có thể bị quấy rối, bắt nạt, bị xâm hại...
Trên thực tế, điểm vui chơi, sinh hoạt hè hay một không gian mở dành cho sinh hoạt cộng đồng giờ đang rất thiếu, đặc biệt môi trường và không gian dành riêng cho trẻ em lại càng thiếu. Học sinh nghỉ hè, tìm kiếm chỗ cho các em chơi, sinh hoạt không phải địa bàn phường, quận nào cũng có.
Vui chơi, nô đùa tại khu vực sảnh trước tòa nhà tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. |
Chị Nguyễn Thu T. sống tại khu tập thể Nguyễn Công Trứ chia sẻ: “Nhà tôi rất lo lắng trong các dịp hè. Các con được ở nhà, không có nhiều khu vui chơi nên đành phải xem tivi, ipad… rất dễ gây hỏng mắt, không được tập thể dục nên người cũng trì trề, không hoạt bát”.
Các khu tập thể cũ đang thiếu trầm trọng không gian cũng như những hạng mục vui chơi, sinh hoạt cho người dân. |
Anh Trần Tuấn M – một người dân sống tại khu phố Cổ cho hay: “Xung quanh đây ít có khu vực vui chơi, bé nhà mình được đưa ra vườn hoa Con Cóc và vườn hoa Lý Thái Tổ để trượt patin nhưng phải giám sát thường xuyên. Vì thế, mình cũng rất mong muốn Hà Nội có thêm nhiều khu vui chơi, sân chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em để bố mẹ có thể an tâm gửi gắm”.
Nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng. |
Cũng tình trạng tương tự, bé Lê Hồng Sơn nói: “Nhà ở trong ngõ nhỏ, nhiều khi bọn cháu phải chơi ở vỉa hè, nhưng người lớn để xe và bán hàng quán hết vỉa hè nên có lần bọn cháu phải đá bóng dưới lòng đường. Cháu cũng khá sợ. Còn trung tâm thương mại, khu vui chơi chỉ được bố mẹ cho đi vào dịp cuối tuần thôi”.
Khu vực không gian chung bẩn thỉu. |
Điểm vui chơi công cộng thiếu, không gian sinh hoạt cộng đồng không có, dân cư đông đúc, môi trường ngột ngạt dẫn tới một thực trạng là trẻ em có xu hướng thụ động hơn khi ngồi lì ở nhà xem tivi, chơi trò chơi trên điện thoại thông minh. Thậm chí có nhiều em còn nghiện chơi game online, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Những điều này đã tạo thành thói quen xấu cho trẻ, một phần là do thiếu sự quản lý và quan tâm của gia đình, một phần các em không biết vui chơi hè ở đâu.
Trong dịp hè, gia đình có điều kiện thì cho các bé đi du lịch cùng gia đình hoặc tham gia các khóa học kỳ quân đội rèn luyện kỹ năng sống, trại hè sáng tạo, trại hè kỹ năng sống… với nhiều hoạt động đa dạng và ý nghĩa. Tuy nhiên, số trẻ được đi như vậy không nhiều. Bên cạnh đó, tại hệ thống các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà Văn hoá quận Ba Đình, Hà Đông, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Sơn Tây… cũng chỉ có những em thiếu nhi ở khu vực gần đó tiếp cận được các hoạt động vui chơi giải trí do những đơn vị này tổ chức.
Cô Đinh Ngọc D cho biết: “Cháu tôi hè nào cũng được bố mẹ đi tham dự một số lớp trại hè sáng tạo, tuy nhiên chi phí khá cao, 1 tuần trải nghiệm có thể từ 3 triệu đến 6 triệu. Do đó, gia đình cũng chỉ có thể cho cháu tham dự 1 năm 1 lần. 2 tháng hè còn lại, tôi phải trông cháu để bố mẹ chúng an tâm làm việc. Mỗi lần gửi con về quê để ông bà trông lại phải gửi kèm nhiều đồ chơi, đồ sinh hoạt khác nên khá lỉnh kỉnh, mất thời gian”.
Sân chơi dành cho trẻ rất quan trọng, cũng có những phụ huynh nghĩ ra sáng kiến, kiến nghị các điểm trường trong dịp hè cũng tận dụng để tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè bổ ích mà không tốn kém. Để cho trẻ em có được những tháng hè vui chơi bổ ích, phát triển tốt thể chất, thật sự sảng khoái sau một năm học căng thẳng thì ngoài sự quan tâm của các bậc cha mẹ, rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền và toàn xã hội để có nhiều hơn các khu vui chơi công cộng lý tưởng và an toàn cho trẻ.
Thành phố Hà Nội hiện có hơn 200 điểm vui chơi dành cho trẻ em. Tại 4 quận nội thành trung tâm như: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa có khoảng 35 vườn hoa, điểm vui chơi công cộng, nhưng cũng không đủ chỗ cho trẻ em đến vui chơi vào dịp lễ tết, đặc biệt là những ngày hè. Nhiều sân chơi bị xuống cấp, hoen rỉ, không an toàn, các hạng mục vui chơi nhàm chán, không đáp ứng nhu cầu.
Theo các chuyên gia đánh giá, tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi dành cho trẻ em có nguyên nhân chủ yếu từ công tác quy hoạch còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho các công trình vui chơi giải trí dành cho trẻ em còn ít so với nhu cầu, thiếu các quy định về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tổ chức hoạt động vui chơi văn hóa cho trẻ em. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất trong công tác quy hoạch, xây dựng thêm sân chơi công cộng là quỹ đất hạn chế. Việc di dời các cơ quan, đơn vị đang sử dụng đất tại các khu đất xen kẽ, giáp ranh khu dân cư vào mục đích sản xuất, kinh doanh để bổ sung quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa còn quá chậm.
Diệu Anh – Nam Nguyễn
Theo