Thứ bảy 27/04/2024 01:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn lao động tại các công trường xây dựng

16:24 | 02/11/2021

(Xây dựng) – Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng. Đằng sau mỗi vụ tai nạn lao động không chỉ là thiệt hại về tài sản cho cá nhân, tổ chức mà còn là những nỗi đau mất người thân, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự chung tay của cả người sử dụng lao động và người lao động để tạo lập một môi trường lao động an toàn, hiệu quả.

ha noi trien khai nhieu bien phap dam bao an toan lao dong tai cac cong truong xay dung
Ông Hoàng Ngọc Thắng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội.

Để hiểu rõ hơn về công tác an toàn lao động tại các công trình, công trường xây dựng trên địa bàn Hà Nội hiện nay, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Ngọc Thắng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng Sở Xây dựng Hà Nội.

PV: Thưa ông, để đảm bảo an toàn lao động tại các công trình, công trường xây dựng, thời gian qua Sở Xây dựng Hà Nội đã triển khai những kế hoạch, biện pháp như thế nào?

Ông Hoàng Ngọc Thắng: Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả về quản lý Nhà nước nhằm đảm bảo an toàn lao động tại các công trình, công trường xây dựng trên địa bàn Thành phố. Sở Xây dựng đã triển khai song song một số giải pháp sau:

Một là, về công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng và UBND Thành phố, hàng năm, Sở Xây dựng đều phối hợp với Công đoàn ngành xây dựng tổ chức triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Thành phố Hà Nội, qua đó đã tập huấn, tuyên truyền phổ biến sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu hướng dẫn về công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động.

Năm 2021, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng ban hành Kế hoạch số 43/SXD-CĐN ngày 05/4/2021 về tổ chức phát động “Tháng an toàn, vệ sinh lao động” năm 2021, tổng kết công tác bảo hộ lao động năm 2020 và tập huấn về công tác an toàn lao động – vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ năm 2021. Sắp tới, Sở Xây dựng tiếp tục tổ chức công tác tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công tác an toàn lao động - vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ năm 2021 cho các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn Thành phố vào ngày 04/11/2021.

Hai là, đối với công tác kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý an toàn, lao động vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Hàng năm, Sở Xây dựng đã lập các kế hoạch kiểm tra về công tác quản lý chất lượng công trình, an toàn lao động vệ sinh môi trường đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và công trình sử dụng vốn khác.

Năm 2021, Sở Xây dựng đã có các kế hoạch như sau: Kế hoạch số 31/KH-SXD ngày 02/3/2021 về trách nhiệm quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng tại các quận, huyện thị xã, trong đó kiểm tra về công tác quản lý chất lượng công trình, an toàn lao động vệ sinh môi trường trong quá trình thi công đối với 45 công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đến nay đã kiểm tra được 39/45 công trình theo kế hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành công tác kiểm tra vào ngày 09/11/2021.

Kế hoạch số 42/KH-SXD ngày 05/4/2021 về kiểm tra công tác quản lý chất lượng, an toàn trong thi công xây dựng đối với 15 công trình sử dụng vốn khác trên địa bàn Thành phố. Đến nay đã kiểm tra được 05/15 công trình, dự kiến sẽ hoàn thành công tác kiểm tra đối với 15 công trình vào ngày 01/12/2021.

Ba là, ban hành một số văn bản hướng dẫn, đôn đốc về công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong thi công và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, thông qua các đợt kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và nghiệm thu hoàn thành các công trình, Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra và trực tiếp hướng dẫn công tác quản lý an toàn lao động, vệ sinh môi trường trên công trường; công tác quản lý, sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; kiểm tra sự tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn lao động vệ sinh môi trường.

PV: Xin ông cho biết, việc phối hợp giữa các bên liên quan trong việc kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?

Ông Hoàng Ngọc Thắng: Trong thời gian qua, Sở Xây dựng luôn phối hợp chặt chẽ với Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện thị xã để tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng tại các công trình.

Năm 2021, Sở Xây dựng đã có Kế hoạch số 98/KH-TTr ngày 05/4/2021 về kiểm tra, đôn đốc xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường tại các công trình, dự án trên địa bàn Thành phố;

Trong 6 tháng đầu năm 2021, thông qua các đợt kiểm tra của Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 172 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 162.350.000 đồng với các nội dung liên quan đến công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường, che chắn giảm bụi đối với các công trình xây dựng, đổ rác thải không đúng nơi quy định...

ha noi trien khai nhieu bien phap dam bao an toan lao dong tai cac cong truong xay dung
Để hạn chế các tai nạn lao động tại các công trường xây dựng cần nâng cao ý thức cho người sử dụng lao động và người lao động.

PV: Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động của các chủ đầu tư cũng như người lao động tại các công trường xây dựng hiện nay, thưa ông?

Ông Hoàng Ngọc Thắng: Qua kiểm tra, Sở Xây dựng đánh giá chung về việc triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động của các chủ đầu tư, người lao động tại các công trường xây dựng hiện nay như sau:

Đối với việc thành lập, bố trí hệ thống tổ chức quản lý công tác an toàn lao động: Về cơ bản tuân thủ theo quy định; các chủ đầu tư đã phân công và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ quản lý an toàn; các nhà thầu thi công xây dựng đã tổ chức bộ phận quản lý an toàn lao động trên công trường. Tuy nhiên tại một số dự án việc phân công trách nhiệm cho cán bộ quản lý an toàn chưa cụ thể, chưa ràng buộc rõ trách nhiệm trong công tác quản lý an toàn; người làm công tác quản lý, cán bộ chuyên trách và người lao động chưa được huấn luyện về an toàn lao động - vệ sinh môi trường theo quy định hoặc có huấn luyện nhưng chưa thực chất.

Công tác lập và chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công xây dựng là một nội dung đa dạng được quy định tại Thông tư số 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ Xây dựng Quy định về quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình (hiện nay được quy định tại Thông tư số 10/2021/TT-BXD ngày 25/8/2021), do vậy tại một số dự án công tác này chưa được các nhà thầu thi công và chủ đầu tư thực hiện đầy đủ.

Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chuyên môn về xây dựng đã hướng dẫn và yêu cầu các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công thực hiện các quy định về việc lập và chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động. Trên cơ sở kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động do nhà thầu thi công lập, chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, có văn bản chấp thuận, đồng thời bố trí và phân công cán bộ tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Về việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình: Tại các dự án, trong khâu thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế biện pháp thi công, tổ chức mặt bằng thi công… về cơ bản đã tuân thủ các quy định hiện hành trong việc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về an toàn lao động, như: Quy chuẩn QCVN 18:2014/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, Tiêu chuẩn TCVN 5308:1991 Quy phạm kỹ thuật an toàn trong xây dựng…

Tuy nhiên tại một số dự án việc tổ chức thực hiện các biện pháp an toàn lao động chưa tuân thủ đúng hồ sơ biện pháp thi công được duyệt (việc neo giữ, gia cố hệ thống dàn giáo thi công, bố trí mặt bằng tổ chức thi công không tuân thủ biện pháp được duyệt …).

Đối với việc quản lý máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng: Về cơ bản, các nhà thầu thi công đã có ý thức tuân thủ thực hiện việc kiểm định kỹ thuật an toàn đối với các loại máy, thiết bị, vật tư thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo danh mục tại Mục III Phụ lục Ib Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn lao động và quan trắc môi trường lao động. Tuy nhiên, tại một số công trình vẫn có hiện tượng một số máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sau khi đã được kiểm định an toàn kỹ thuật nhưng chủ đầu tư không xác báo với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để kiểm tra, theo dõi theo quy định.

Đối với các cần trục tháp khi hoạt động tầm với vượt ra khỏi phạm vi mặt bằng công trường, các chủ đầu tư và nhà thầu thi công ngoài việc thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đã cơ bản tuân thủ việc gửi Sở Xây dựng xem xét cho ý kiến về biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong quá trình vận hành, sử dụng cần trục tháp theo quy định tại Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 13/4/2012 của UBND Thành phố Hà Nội.

Việc tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người quản lý, sử dụng lao động và người lao động tham gia thi công xây dựng công trình: Về cơ bản, các chủ đầu tư và các nhà thầu thi công xây dựng đã có ý thức và tổ chức thực hiện công tác huấn luyện an toàn lao động cho các đối tượng liên quan. Tuy nhiên tại một số dự án công tác huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho các nhóm đối tượng theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP chưa được thực hiện đúng theo yêu cầu, nhất là với người quản lý phụ trách công tác an toàn (Nhóm 1) và người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (Nhóm 3). Việc tổ chức huấn luyện định kỳ chưa được thực hiện đầy đủ, nội dung và kiến thức huấn luyện còn sơ sài và hình thức, chưa phù hợp với yêu cầu của từng loại đối tượng.

Về cơ bản, công tác đảm bảo an toàn lao động - vệ sinh môi trường trong quá trình thi công tại các dự án đã được các chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công chú trọng thực hiện theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên tại một số công trình vẫn còn khiếm khuyết trong công tác đảm bảo an toàn lao động, như: thiếu hệ thống lan can rào chắn, biển cảnh báo tại các vị trí nguy hiểm (mép biên công trình, hố chờ kỹ thuật, hố thang máy, thang bộ…), an toàn sử dụng thiết bị điện thi công chưa đảm bảo, thiếu hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ trên công trường. Việc tổ chức lập hồ sơ khám sức khỏe, huấn luyện an toàn lao động và cấp phát phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động còn hình thức, chưa thực chất. Công nhân, người lao động làm việc trên công trường chưa có ý thức cao trong việc tuân thủ biện pháp thi công, thực hiện việc trang bị bảo hộ lao động trong quá trình làm việc.

PV: Đối với những chủ đầu tư vi phạm các quy định về an toàn lao động sẽ có những chế tài xử lý ra sao, thưa ông?

Ông Hoàng Ngọc Thắng: Đối với các Chủ đầu tư vi phạm các quy định về an toàn lao động, tùy theo từng trường hợp Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Lao động Thương binh và xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức nhắc nhở hoặc lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định, đồng thời buộc Chủ đầu tư và các nhà thầu phải có biện pháp khắc phục bổ sung, đảm bảo các yêu cầu về an toàn lao động theo quy định.

PV: Trong thời gian tới, để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và đề cao trách nhiệm của mọi người đối với vấn đề an toàn lao động, Sở Xây dựng Hà Nội có đề xuất những giải pháp gì?

Ông Hoàng Ngọc Thắng: Để tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và đề cao trách nhiệm của mọi người về vấn đề an toàn lao động trong thi công xây dựng, trong thời gian tới Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các quận huyện thị xã để triển khai đồng bộ các giải pháp đã và đang thực hiện trong những năm gần đây như:

Tập huấn, tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh môi trường cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn Thành phố;

Tổ chức các đợt kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) và hướng dẫn, đôn đốc khắc phục các nội dung tồn tại trong công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng các công trình…

Tổ chức tổng kết, đánh giá nguyên nhân và đề xuất các giải pháp kỹ thuật phòng ngừa, giảm thiểu các sự cố, tai nạn lao động trong thi công xây dựng, đặc biệt là các sự cố, tai nạn liên quan đến việc thiết kế, sử dụng, vận hành các máy, thiết bị như: Giàn giáo, cần trục tháp, vận thăng, sàn treo nâng người, đồng thời đưa ra các đề nghị, kiến nghị liên quan đến công tác tổ chức thực hiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng, có chế tài xử lý phù hợp và có tính răn đe đối với các hành vi không chấp hành quy định gây mất an toàn lao động. Tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn các quy định mới về an toàn lao động theo quy định của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020, Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ, Thông tư số 10/2021/TT-BXD ngày 25/8/2021…; tiếp tục phổ biến và hướng dẫn áp dụng vào thực tiễn các giải pháp công nghệ tiến tiến trong quản lý an toàn lao động để các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xây dựng nắm bắt và thực hiện.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Khánh Hòa – Thảo Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load