(Xây dựng) - Vừa qua, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Khu đất “vàng” tại số 69 Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). |
Phi vụ chuyển nhượng đất “vàng” hàng chục tỷ đồng
Khu đất “vàng" 69 Nguyễn Du trước đây là biệt thự có diện tích 569,7m2, đã được UBND Thành phố Hà Nội chỉ định cho Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC - Mã CK: PVX) để cải tạo làm trụ sở, thời gian sử dụng 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích nếu không được Thành phố Hà Nội cho phép.
PVC đã lập dự án với tên gọi "Tòa nhà văn phòng 69 Nguyễn Du" có diện tích đất 596,7m2, diện tích xây dựng công trình 406,2m2, quy mô 8 tầng. Tổng vốn đầu tư của dự án là 130 tỷ đồng, trong đó 45% vốn tự có, còn lại vay tín dụng thương mại.
Tuy nhiên, khu đất này đã được PVC chuyển nhượng thành công cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Khoáng sản Hợp Thành - PV) với giá 95,9 tỷ đồng vào năm 2009.
Đại gia đứng sau các dự án “khủng”
Tìm hiểu được biết, Khoáng sản Hợp Thành do ông Lê Hồng Thái thành lập năm 2007 và nhanh chóng phát triển trở thành một tập đoàn đa ngành với quy mô rất lớn. Sau 6 năm hoạt động, Khoáng sản Hợp Thành có tổng tài sản 2.733,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 460 tỷ đồng, nắm trong tay một loạt công ty con như Công ty Gang thép Hà Tĩnh, Công ty Sắt Vũ Quang, Công ty Hoá Cốc Hà Tĩnh, Công ty Khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi, Công ty sản xuất Sô Đa Chu Lai, Công ty Khoáng sản Miền Trung...
Lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, năm 2009 Khoáng sản Hợp Thành nhanh chóng thâu tóm khu “đất vàng” 69 Nguyễn Du từ tay PVC với giá khoảng 160 triệu đồng/m2, rồi lần lượt các dự án xây dựng tòa nhà văn phòng Mitec, dự án khách sạn SeaDragon tại Quảng Ninh, dự án HH3–Khu đô thị Nam An Khánh, tòa nhà văn phòng số 2 Lê Văn Lương...
Tuy nhiên, vụ chuyển nhượng tại khu đất 69 Nguyễn Du này đang bị Thanh tra Chính phủ đưa vào tầm ngắm vì không chấp hành pháp luật khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên mảnh đất này.
Năm 2011, Khoáng sản Hợp Thành là 1 trong 5 chủ đầu tư thứ cấp mua 46,8ha tại dự án Vincom Village với giá trị 770 triệu USD (Khoáng sản Hợp Thành mua 30 triệu USD).
Sau đó, doanh nghiệp này tiếp tục gây chú ý bằng việc mua 24,27% cổ phần cảng Vinalines Đình Vũ hay thương vụ “sang tay” Khách sạn Deawoo đình đám.
Gần đây, Hợp Thành nổi lên với thương vụ thâu tóm 86% cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược của cảng Quy Nhơn (QNP). Đây là một cảng biển trọng điểm khu vực miền Trung trước do Vinalines sở hữu 100%.
Cảng Quy Nhơn là một trong 5 cảng biển mà Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa. Doanh nghiệp này chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào tháng 11/2013 với số vốn điều lệ hơn 400 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 75,01%. Tuy nhiên, sau hai lần thoái vốn vào tháng 2/2015 và tháng 8/2015, cảng Quy Nhơn đã không còn vốn Nhà nước.
Dự án với tên gọi "Tòa nhà văn phòng 69 Nguyễn Du" có diện tích đất 596,7m2. |
Đến tháng 5/2019, Vinalines và Khoáng sản Hợp Thành đã ký Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu cổ phần Công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn; Vinalines đã hoàn trả cho Khoáng sản Hợp Thành số tiền đã nhận khi chuyển nhượng 75,01% vốn điều lệ cảng Quy Nhơn (415.156.027.500 đồng - đúng bằng số tiền gốc Khoáng sản Hợp Thành chi ra) và Khoáng sản Hợp Thành đã thực hiện thủ tục theo quy định để chuyển quyền sở hữu 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn cho Vinalines. Tuy vậy, phần lợi ích phát sinh của Khoáng sản Hợp Thành tại cảng Quy Nhơn vẫn tiếp tục được cơ quan Nhà nước xem xét, tính toán kỹ lưỡng.
Những năm gần đây, nhiều dự án của Khoáng sản Hợp Thành hay của các công ty con bị rơi vào tình trạng đắp chiếu, bị thu hồi như: Thép Vạn Lợi, nhà máy tuyển quặng ở Quảng Ngãi, dự án tuyển quặng sắt của Công ty Cổ phần Khoáng sản Miền Trung...
Tuệ Minh
Theo