Thứ sáu 19/04/2024 15:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh tra dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và “đất vàng” 69 Nguyễn Du

11:40 | 08/04/2020

(Xây dựng) – Mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký quyết định thanh tra đối với Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và “đất vàng” số 69 Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

thanh tra du an nhiet dien thai binh 2 va dat vang 69 nguyen du
Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (Ảnh: Internet)

Được biết, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra một số nội dung đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Cụ thể, tiến hành thanh tra việc chỉ định thầu đối với Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; việc bổ sung dự án vào danh mục các dự án nguồn điện cấp bách để thực hiện theo quyết định số 2414/2013 của Thủ tướng Chính phủ; việc quyết định chủ trương, phê duyệt đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; việc điều chỉnh dự án, tăng tổng mức đầu tư dự án, điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC tại dự án này.

Còn đối với khu đất vàng 69 Nguyễn Du, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra sẽ tập trung vào việc chấp hành pháp luật khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Thời kỳ thanh tra là từ khi chuẩn bị thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đến ngày 30/3/2020; thời gian thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du. Ngoài ra, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ này.

Tổng Thanh tra Chính phủ đã giao Vụ I (Thanh tra Chính phủ) giúp Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc đoàn thanh tra. Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra thực hiện giám sát đoàn thanh tra.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), công suất thiết kế 1.200 MW, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy sẽ vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017 và tổ máy 2 vào 2018. Tuy nhiên đến nay, 2 tổ máy vẫn chưa thể hoàn thành. Không chỉ vậy, trong quá trình triển khai, dự án này đã 2 lần điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, đến nay đã lên trên 42.000 tỉ đồng. Ngoài ra, dự án này từng “dính” hàng loạt sai phạm khác gây thiệt hại cho Nhà nước.

Theo Kết luận thanh tra trước đây của Thanh tra Chính phủ, lô đất 69 Nguyễn Du trước đây là biệt thự, rộng 570m2, được Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND thành phố Hà Nội bán chỉ định để xây dựng trụ sở làm việc theo Văn bản số 1665/TTg-KTN ngày 6/10/2008.

Thực hiện ý kiến của Thủ tướng, Hà Nội đã ra quyết định thu hồi căn biệt thự chuyên dung để giao cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cải tạo làm trụ sở; thời gian sử dụng 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích nếu không được Hà Nội cho phép.

PVC sau đó đã lập dự án với tên gọi “Toà nhà văn phòng 69 Nguyễn Du”, quy mô 8 tầng. Dự án có tổng diện tích sàn (cả tầng hầm) là 4.361,5 m2 dự kiến cung cấp các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu làm việc hàng ngày của PVC và các đối tác thuê văn phòng tại đây.

Tuy nhiên, theo Kết luận thanh tra trước đây của Thanh tra Chính phủ, ngày 31/12/2009, PVC đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng căn biệt thự này cho Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành với giá gần 96 tỷ đồng. Do thời gian và nội dung thanh tra được quy định và tại thời điểm đó, Công an thành phố Hà Nội cũng đang tiến hành điều tra việc mua, bán căn nhà 69 Nguyễn Du nên Thanh tra Chính phủ không đi sâu xác minh.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load