Thứ tư 15/01/2025 16:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Hà Nội: Thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

14:07 | 17/08/2023

(Xây dựng) – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Quyết định số 4097/QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND thành phố về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Hà Nội: Thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư
Hà Nội thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo Quyết định, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh là tổ trưởng Tổ công tác. Tổ phó thường trực Tổ công tác là Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải; Tổ phó Tổ công tác là Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.

Các thành viên Tổ công tác gồm Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội, Cục Thuế thành phố Hà Nội, Cục Hải quan thành phố Hà Nội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Văn phòng UBND thành phố, Quyền Giám đốc Sở Công Thương, đại diện lãnh đạo Công an thành phố.

Tùy thuộc yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác và theo để nghị của thành viên Tổ công tác, Tổ trưởng Tổ công tác có thể mời thêm lãnh đạo UBND thành phố và lãnh đạo một số cơ quan đơn vị và địa phương liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.

Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Tổ công tác, có trách nhiệm tham mưu, đôn đốc, tổng hợp báo cáo chung của Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn.

Về bộ phận giúp việc, UBND thành phố giao Giám đốc các sở, ban, ngành, người đứng đầu các đơn vị liên quan chủ động phân công đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện kiêm nhiệm giúp việc Tổ công tác; đảm bảo sự linh hoạt trong phân công công việc, không ảnh hưởng đến công việc chuyên môn do đơn vị, cá nhân đang thực hiện.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết tháo gỡ.

Tổ công tác làm việc với Sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: Đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các Sở, ngành, địa phương.

Tham mưu cho UBND thành phố các cơ chế, chính sách và đề xuất giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư.

Chỉ đạo nghiên cứu, thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa trong giải quyết các thủ tục về đầu tư dự án, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới. Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm.

Tổ công tác có quyền yêu cầu các sở, ban ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền của cơ quan đó; Tổ chức các cuộc họp định kỳ hoặc chuyên đề để kịp thời đánh giá và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.

Các nội dung thuộc phạm vi rà soát khó khăn, vướng mắc của Tổ công tác để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư gồm: Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực. Hoạt động triển khai thực hiện các dự án: Đầu tư công (bao gồm dự án ODA); Đầu tư kinh doanh (bao gồm dự án đầu tư trong nước và dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI); Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Diệu Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load