Thứ bảy 27/04/2024 03:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội tăng cường phòng chống cháy, nổ tại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

15:54 | 05/05/2021

(Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội mới ban hành Chỉ thị về việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC và CHCN) đối với loại hình cơ sở nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

ha noi tang cuong phong chong chay no tai nha o ket hop san xuat kinh doanh
Thành phố Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua, đặc biệt là tại loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã xảy ra 4.170 vụ cháy, nổ làm 93 người chết, 149 người bị thương và thiệt hại tài sản trên 1.025 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các sự cố có tỷ lệ xảy ra khá cao tại các cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, tổng cộng 923 vụ, chiếm khoảng 22,13%. Nghiêm trọng hơn là các vụ cháy, nổ tại loại hình nhà ở này rất dễ dẫn tới chết người. 48 trường hợp đã thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn tại các cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chiếm tới 51,61% số người thiệt mạng ở các vụ cháy, nổ tại Hà Nội từ năm 2015 đến nay.

Đặc biệt, từ tháng 12/2020 đến nay, cả Hà Nội có 13 người thiệt mạng và 14 người bị thương trong các vụ cháy, nổ thì tất cả đều xảy ra ở loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Đứng trước tình hình này, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị để siết chặt công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với loại hình cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

Trong đó, Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu Công an Thành phố chủ động tham mưu cho UBND về các giải pháp, biện pháp nâng cao năng lực công tác PCCC và CNCH theo quy định. Công an Thành phố cũng phải hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH của các UBND cấp huyện, cấp xã đối với các cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình nói chung và cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nói riêng. Đối với các trường hợp không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về PCCC và CNCH, Công an phải kiên quyết xử lý đúng pháp luật.

Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC trên địa bàn Thành phố. Sở Công Thương chủ trì và phối hợp với Tổng Công ty điện lực Thành phố để tham mưu cho UBND Thành phố về các biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ từ sự cố điện; tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân về việc đảm bảo an toàn điện. Các Sở, ban, ngành khác của Thành phố cần chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng được phân công và phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện tốt công tác tuyên truyền.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện và thị xã cần chủ động thực hiện công tác quản lý Nhà nước về PCCC của đơn vị theo quy định tại Khoản 1, Điều 52, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Hai nhiệm vụ quan trọng là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCC, CNCH trên địa bàn và chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về phóng chống cháy, nổ đối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, mỗi huyện đều phải giao 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo công tác PCCC và CNCH, đột xuất kiểm tra công tác PCCC và CNCH theo thẩm quyền. Với cấp xã cũng phải có 1 đồng chí lãnh đạo ủy ban trực tiếp chịu trách nhiệm triển khai công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH trên địa bàn.

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load