Thứ tư 15/01/2025 18:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Nội siết chặt kiểm soát khu vực nguy cơ, tầm soát cán bộ y tế của các bệnh viện

21:18 | 02/10/2021

Đây là nội dung chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng tại cuộc họp trực tuyến của Sở chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội chiều 2/10.

ha noi siet chat kiem soat khu vuc nguy co tam soat can bo y te cua cac benh vien
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng: Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn, đặc biệt các địa bàn có các bệnh viện của bộ, ngành Trung ương. Ảnh: VGP/Gia Huy

Đã lấy trên 7.200 mẫu liên quan chuỗi lây nhiễm Bệnh viện Việt Đức

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, từ 18h ngày 1/10 đến trưa nay 2/10, trên địa bàn Thành phố có 19 ca mắc liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Như vậy, liên quan đến bệnh viện này, tính đến nay đã có 28 ca mắc. Trong đó, 22 ca tại Hà Nội và 6 ca tại các tỉnh thành khác.

Từ ngày 1/10, 7.260 mẫu liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã được lấy. Trong đó, 4.384 mẫu là nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc; 1.385 mẫu tại khu dân cư xung quanh bệnh viện; 1.491 mẫu là những người về từ bệnh viện. Hiện còn 200 mẫu đang chờ kết quả.

Về công tác xét nghiệm, từ ngày 1/10 đến nay đã thực hiện 34.356 mẫu, trong đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã xét nghiệm 7.260 mẫu, phát hiện 19 trường hợp dương tính liên quan đến bệnh viện này. Các bệnh viện đã xét nghiệm 27.099 mẫu, chưa phát hiện trường hợp dương tính.

Về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đến nay, Hà Nội đã tiêm được 7,1 triệu mũi, trong đó có trên 5,8 triệu mũi 1, đạt 96,9% dân số trên 18 tuổi và đạt 70,3% tổng dân số; có trên 1,2 triệu mũi 2, đạt 21,5% dân số trên 18 tuổi trong độ tuổi tiêm chủng, 15,8% tổng dân số.

Sở Y tế đề nghị các quận, huyện thị xã tăng cường kiểm tra phòng, chống dịch trên địa bàn; tiếp tục thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, khó thở; rà soát các trường hợp đi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để xét nghiệm và thực hiện cách ly…

Kiến nghị chưa hoạt động vận tải hành khách công cộng

Đại diện Sở Giao thông Hà Nội nêu đề nghị với UBND thành phố chưa cho vận tải hành khách công cộng hoạt động trở lại. Sở sẽ bám sát diễn biến, kết quả phòng, chống dịch để tham mưu thành phố từng bước mở lại dịch vụ vận tải hành khách công cộng, bảo đảm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp.

Đại diện Công an thành phố cho biết, những ngày qua lực lượng chức năng vẫn duy trì các chốt trực ra vào cửa ngõ thành phố, trong đó có 22 chốt của công an thành phố và 33 chốt của các quận/huyện để kiểm soát chặt lượng người và phương tiện ra vào thành phố. Công an thành phố tiếp tục duy trì các tổ tuần tra kiểm soát, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông người, kiểm soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện.

Công an Thành phố hiện đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ cập nhật dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trong 3 ngày qua, công an thành phố kiểm soát hơn 65.000 lượt phương tiện và hơn 92.000 lượt người, yêu cầu hơn 7.000 lượt phương tiện quay đầu và có hơn 64.000 người khai báo y tế bằng mã QR.

Hà Nội vẫn đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Hà Nội vẫn đang đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh tiềm ẩn bởi 5 nguyên nhân: Vẫn còn mầm bệnh ngoài cộng đồng; nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài khi các tỉnh phía nam kết thúc giãn cách, mở cửa giao thông; tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân và cả các cơ quan quản lý cũng có dấu hiệu lơ là; thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển; biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ ngắn.

Từ ngày 21/9 đến 30/9, số ca mắc trên địa bàn được kéo giảm đáng kể, với trung bình 5 ca mắc mỗi ngày, số ca mắc ngoài cộng đồng rất ít. Tuy nhiên từ ngày 1/10, Hà Nội xuất hiện chùm ca bệnh phức tạp ở Bệnh viện Việt Đức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch tiếp tục phải thực hiện tập trung cao nhất, không được lơ là. Việc nới lỏng phải kèm theo siết chặt quản lý, kiểm tra xử lý nghiêm vị phạm.

Các địa phương, đơn vị cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn, đặc biệt các địa bàn có các bệnh viện của bộ, ngành Trung ương phải thực hiện tầm soát cho cán bộ y tế của bệnh viện. Các địa phương phải giám sát, yêu cầu các bệnh viện gửi báo cáo về Ban chỉ đạo của địa phương mình để tránh nguy cơ dịch phát sinh trong các bệnh viện.

Các sở ngành, quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 22 của Chủ tịch UBND Thành phố với những đầu việc đã được nêu rất cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trung tâm y tế triển khai ngay phần mềm xét nghiệm đã được tập huấn. Đây là những tính năng hữu hiệu, giảm thời gian việc lấy mẫu, tiện lợi cho người dân, không phải ghi chép bằng giấy rồi mới nhập vào hệ thống, rất dễ nhầm lẫn sai sót. Sở Y tế cần hướng dẫn triển khai mô hình bác sĩ gia đình; bảo đảm thuốc, vật tư y tế; tin học hóa, từng bước số hóa các hoạt động của trạm y tế.

UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành tiếp tục kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn mình phụ trách một cách chủ động, tiếp tục nâng cao vai trò tự quản, ý thức của người dân, doanh nghiệp và sự tham gia của các tổ COVID-19 trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ sở kinh doanh trong khu công nghiệp, tổ chức xét nghiệm thường xuyên cho cán bộ, công nhân và xây dựng phương án trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp.

Theo Gia Huy/Baochinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load