Thứ năm 28/03/2024 15:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Sẽ xem xét nới lỏng một số biện pháp phòng dịch nhằm ổn định kinh tế

19:22 | 22/02/2021

(Xây dựng) - Chiều 22/2, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận huyện, phường xã.

ha noi se xem xet noi long mot so bien phap phong dich nham on dinh kinh te
Hà Nội xem xét nới lỏng một số biện pháp phòng dịch đi đôi với giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh.

Hà Nội đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ mua 15 triệu liều vaccine Covid-19

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến nay thành phố đã rà soát lấy mẫu xét nghiệm hơn 51.000 người trở về từ Hải Dương, trong đó có 2.436 về từ huyện Cẩm Giàng. Đến nay, đã có kết quả xét nghiệm âm tính của hơn 41.000 người, số còn lại đang chờ kết quả.

Ông Hạnh nhận định, dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, trong 1 tuần qua trên địa bàn thành phố không có ca mắc Covid-19 mới, nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn ở mức cao. Lý do được ông Hạnh giải tích do có thể còn những người từ các tỉnh thành có dịch vào thành phố chưa khai báo hết nên tiềm ẩn nguy cơ mắc dịch bệnh và lây lan.

Ông Hạnh thông tin, đến nay toàn thành phố chỉ còn 4 điểm bị cách ly, dự kiến hết tháng 2 các điểm này cũng sẽ được gỡ cách ly. Nếu tình hình dịch trên địa bàn cuối tháng 2 tiếp tục được kiểm soát, không có phát sinh các ca bệnh mới hay diễn biến phức tạp lên, thành phố có thể xem xét nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch vào đầu tháng 3 như: Cho học sinh đi học trở lại; các lễ hội được tổ chức, di tích được mở cửa…

Do vậy, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, các Sở liên quan như: Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa Thể thao, Sở Công Thương... phải luôn sẵn sàng cho chỉ đạo, bảo đảm hoạt động trong tình hình mới.

Đáng chú ý, ông Hạnh báo cáo: “Qua rà soát, đơn vị này đã tham mưu UBND Thành phố Hà Nội có Công văn gửi Bộ Y tế về việc đề nghị hỗ trợ để mua vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho người dân. Chúng tôi đề xuất thành phố có văn bản gửi mua khoảng 15 triệu liều vắc xin để tiêm 2 mũi cho mỗi người dân từ 18 tuổi trở lên”.

Nhiều phản ánh về việc chưa tích cực phòng dịch ở cơ sở

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Công Thương trả lời về việc nhiều người dân Thủ đô đang bỏ công sức giúp bà con Hải Dương tiêu thụ nông sản thì Sở đã làm những công việc gì để đảm bảo công tác phòng dịch?

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Sở đã kết nối để 32 doanh nghiệp thương mại, 34 chợ của Hà Nội với 59 đơn vị sản xuất thu mua của Hải Dương; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố tạo điều kiện để phương tiện chở nông sản vào thành phố. Mấy ngày qua, các đơn vị đã thu mua tiêu thụ gần 400 tấn nông sản. Các đơn vị của thành phố cũng đang nhanh chóng để hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.600 tần gà đồi Chí Linh trong những ngày tới.

Với các điểm người dân tự tổ chức bán nông sản giúp bà con Hải Dương, Sở Công Thương đã có Văn bản gửi các quận huyện đề nghị rà soát, bố trí cho người dân các vị trí bán nông sản làm sao đảm bảo giao thông, ađặc biệt là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và phải truy xuất được nguồn gốc tránh việc đội lốt nông sản Hải Dương để trục lợi.

Chỉ đạo một số nội dung quan trọng tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng lưu ý, những ngày qua thành phố vẫn nhận được phản ánh về việc chưa tích cực trong việc phòng dịch như: Nhà hàng bia hơi không thực hiện giãn cách, bày bán tràn cả vỉa hè… và thành phố phải chỉ đạo xử lý ngay.

“Các quận huyện phải nghiêm túc, tích cực hơn nữa nếu không sẽ ảnh hưởng đến công việc chung của thành phố. Sắp tới nếu nới lỏng các yêu cầu thì phải siết chặt hơn nữa. Các địa phương, các tổ Covid-19 cộng đồng cần thực hiện nghiêm các yêu cầu của Trung ương, chỉ đạo của thành phố. Tránh việc chỉ nêu đầu việc không”, Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, các đơn vị phải rà soát kỹ các điểm phong tỏa về các nguy cơ, căn cứ vào kết quả xét nghiệm, căn cứ khoa học để xem xét việc tháo bỏ toàn bộ phong tỏa hay giữ một phần.

Sau khi có kết quả xét nghiệm người về từ vùng dịch, các đơn vị sớm cần xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp tục mở rộng xét nghiệm tại khu công nghiệp, bệnh viện, phòng khám, cơ sở cách ly tập trung; lấy mẫu ngẫu nhiên cụ thể theo khu vực, số lượng, thứ tự ưu tiên; phải báo cáo kế hoạch xin ý kiến lãnh đạo thành phố … Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ: “Đây là việc cần làm sớm để rà soát đánh giá nguy cơ”.

Sở Y tế triển khai quy trình, công tác quản lý, khai báo y tế theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế về quét mã QR Code tại các cơ quan, địa điểm công cộng. “Làm sao để người dân ủng hộ thực hiện nhất là khi sắp tới chúng ta có thể nới lỏng các biện pháp khi dịch bệnh được kiểm soát”, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu.

“Ngày thứ 7 Hà Nội chưa ghi nhận thêm ca Covid-19, thành phố đang tính đến việc tháo gỡ dần các biện pháp hạn chế để phòng dịch, các Sở, ngành phải có kế hoạch, đánh giá đầy đủ về nguy cơ để đề xuất cho các giải pháp để các cơ sở kinh doanh có thể quay lại hoạt động. Chậm nhất 17h ngày thứ 5 tới phải có báo cáo để lãnh đạo thành phố xem xét”, Phó Chủ tịch UBND thành phố đặc biệt yêu cầu.

Khánh Diệp

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load