(Xây dựng) – Sau 3 năm trồng thử nghiệm, bước đầu cho thấy 262 cây phong lá đỏ chưa thích nghi với điều kiện khí hậu Hà Nội, một số cây bị chết làm ảnh hưởng đến cảnh quan của tuyến đường Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng. Sau khi tham vấn ý kiến từ các nhà chuyên môn, Hà Nội đã lựa chọn di chuyển cây phong để trồng ở nơi phù hợp và thay thế bằng cây bàng lá nhỏ.
Hàng cây phong lá đỏ sẽ được thay thế bằng loại cây khác trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng. |
Miền Bắc những ngày giữa tháng 5, thời tiết thật không biết chiều lòng người. Cái khô, cái nóng đặc trưng của chớm hè khiến chúng ta chưa kịp thích nghi. Ra đường vào thời tiết này, ai cũng cố gắng đi thật nhanh để còn tránh “cái nhìn” như thiêu như đốt của “ông trời”. Trùng hợp thay, những hàng cây phong lá đỏ trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng cũng chẳng thể thích nghi với khí hậu nóng ẩm của nơi này, “thoi thóp” đếm ngược từng ngày để được di chuyển đến một nơi khác.
Nhìn lại 3 năm trước, nhiều người dân Hà Nội hy vọng hàng cây phong lá đỏ phát triển, tỏa bóng mát vào mùa hè nắng chói chang của “xứ nhiệt đới” và háo hức chờ đợi lá loài cây này đem màu sắc mới lạ tới Thủ đô.
Cây phong lá đỏ sẽ được đánh chuyển về vườn ươm chăm sóc sinh trưởng rồi trồng tại vị trí phù hợp hơn. |
Vậy nhưng, sau một thời gian dài tốn công sức chăm sóc, chờ đợi với nhiều lần “chết đi sống lại”, cây phong lá đỏ đã phụ công người. 45 cây chết và 217 cây sống, hiện trạng các cây sinh trưởng, phát triển kém, làm ảnh hưởng đến cảnh quan của tuyến phố.
Ông Đinh Công Lượng, bảo vệ của một cửa hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh, cho biết: Suốt mấy năm nay, hàng cây phong lá đỏ ở khu vực này cứ chết dần chết mòn, mỗi năm lại chết đi vài cây. Những cây còn sống cũng không phát triển được, một vài cây cũng ra lá được một thời gian, rồi cũng lại héo đi nhanh chóng.
Căn cứ vào điều kiện khí hậu của Hà Nội, cùng các ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học; để đảm bảo cảnh quan, đồng bộ hệ thống cây xanh đáp ứng thẩm mỹ, mỹ quan đô thị trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất trồng bằng toàn bộ cây bàng lá nhỏ, có đường kính thân cây khoảng từ 10-15cm, cao 6-8m.
Cây bàng lá nhỏ là loại cây thích hợp để trồng trong không gian đô thị. |
Giải thích về lựa chọn cây bàng lá nhỏ thay thế cây phong trên 2 tuyến phố này, đại diện Sở Xây dựng cho hay, cây bàng lá nhỏ đã được Thành phố Hà Nội triển khai trồng trên nhiều tuyến phố. Kết quả trồng trên cả vỉa hè lẫn dải phân cách đều cho thấy loại cây này phù hợp với khí hậu của đô thị Hà Nội. Bên cạnh đó, bàng lá nhỏ có thân rất thẳng, ít gãy đổ, tán lá cao nên hạn chế ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Hơn nữa, lá cây nhỏ nên khi rụng cũng ít gây tắc cống hơn nhiều loại cây đô thị khác.
Đề xuất này của Sở Xây dựng Hà Nội đã được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn chấp thuận tại Văn bản số 2788/VP-ĐT ngày 2/4/2021 và giao Sở Xây dựng hướng dẫn các đơn vị tổ chức triển khai theo đúng quy định của pháp luật.
Tán đồng với chủ trương này, bà Nguyễn Thị Lan, người dân sinh sống trên đường Trần Duy Hưng cho hay: Cây phong lá đỏ từ khi trồng đến giờ vẫn không lên được màu xanh, mà cũng không ra được màu đỏ. Một tuyến đường lớn ở trung tâm thành phố Hà Nội như vậy mà hàng cây quanh năm héo úa, không được như kỳ vọng ban đầu. Bà Lan cũng đề xuất lựa chọn những loại cây đô thị vừa xanh, vừa đẹp, có bóng mát với tán cao, không cản trở đến các phương tiện đi trên đường.
Cũng theo ý kiến từ các chuyên gia, cây bàng lá nhỏ đã được Thành phố Hà Nội trồng trên các tuyến đường như Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Xã Đàn, Kim Mã… Sau thời gian trồng, cây bàng lá nhỏ phát triển ổn định, phù hợp với không gian đô thị. Loại cây này ít bị sâu bệnh, ít rụng lá, dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc. Thân cây bàng thẳng, lá bàng xanh mướt, tán rộng. Cây vừa tạo bóng mát cho mùa hè vừa đem đến không gian cảnh quan xanh cho Thủ đô.
Khánh Hòa – Tuấn Anh
Theo