(Xây dựng) - Vào thời điểm dịch Covid-19, hàng quán đóng cửa, mọi người được khuyến cáo không được tụ tập đông người thì người dân chuyển hướng sang mua bán hàng qua mạng. Điều này dẫn đến tình trạng rất nhiều hàng hóa, đồ ăn, thức uống bọc trong đồ nhựa được chuyển đi, tiếp tục thải ra môi trường hàng tấn rác thải nhựa.
Sử dụng đồ nhựa trong đóng gói hàng cho khách mang đi đã làm tăng lượng rác thải nhựa, nhất là vào thời điểm dịch bệnh Covid-19. |
Mặt hàng giá rẻ tiện lợi
Rác thải nhựa chính là những sản phẩm được làm bằng nhựa, đã qua sử dụng hoặc không được dùng đến rồi thải ra ngoài môi trường. Rác thải nhựa gồm có túi nhựa, chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa hay các loại đồ chơi, vật dụng bằng nhựa...
Vào thời điểm công nghệ hiện đại đang trên đà phát triển mạnh, người dân đang có xu hướng mua bán nhiều thông qua ứng dụng trên điện thoại mà không cần phải đi xa. Hàng hóa sẽ được bọc kín trong nhiều lớp ni lông để tránh bị hỏng khi vận chuyển. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản, sẽ có người nhận đơn và mang hàng đi giao.
Đồng thời, khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng quán được yêu cầu đóng cửa để hạn chế tập trung đông người, dịch vụ mua bán qua mạng và mua hàng mang về lại càng có nhiều người sử dụng. Các nhà hàng, quán ăn tiếp tục nhập về hàng trăm, thậm chí hàng nghìn đồ nhựa về để bán cho khách. Khi đó, bên bán sẽ chuẩn bị đồ sử dụng một lần bằng nhựa như bát nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa đựng đồ ăn, đồ uống để khách mang về.
Chị Nguyễn Lan Hương bán đồ uống trên phố Tuệ Tĩnh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, hàng quán của chị hiện nay vẫn còn sử dụng đồ nhựa vì tính tiện lợi của chúng. Chi phí bỏ ra để mua những đồ dùng bằng nhựa rất rẻ, có thể dễ dàng mua được với số lượng lớn để phục vụ được cho nhiều khách hàng. Hiện nay, do đang thực hiện theo Chỉ đạo của UBND thành phố, đóng cửa quán cà phê để tránh tụ tập đông người nên chị treo biển bán mang về. Khách muốn uống thì chị đều cho vào cốc nhựa mà theo chị, như vậy là tiện lợi và không bị đổ.
Mặt khác, đồ nhựa vẫn tái xuất với số lượng lớn ở các chợ dân sinh, hàng quán vỉa hè. Người bán đồng loạt sử dụng túi ni lông để đựng đồ cho khách. Nhiều người dân vẫn còn chưa quan tâm đến môi trường, mua hàng đều yêu cầu người bán bọc thêm nhiều lớp ni lông hơn.
Tác hại khôn lường
Đi dọc trong các khu nhà ở, khu đô thị, đường phố tại Hà Nội, không khó để nhìn thấy những đống rác thải lớn tại các điểm tập kết rác. Thậm chí, rác thải còn có ở gốc cây, gốc cột điện, vỉa hè, lòng đường mà trong số đó, rác thải nhựa chiếm số lượng lớn nhất.
Rác thải nhựa rất khó phân hủy, phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Điều này gây ra tình trạng chưa xử lý hết rác thải nhựa đợt trước đã xuất hiện thêm ngày càng nhiều rác đợt sau. Các xe rác luôn được đổ đầy mỗi ngày, công nhân môi trường phải làm việc hết công suất.
Chị Nguyễn Thị Mai Anh, công nhân vệ sinh môi trường chia sẻ: “Mỗi túi rác người dân vứt ra phải có chục chiếc túi ni lông, chưa kể thìa, đĩa nhựa ăn một lần. Nhiều người còn không có ý thức vứt rác vào thùng rác mặc dù thùng rác đã được bố trí rất nhiều ở dọc vỉa hè, đường phố. Họ quen tay xả thẳng rác trực tiếp ra đường sau khi ăn uống, mua bán xong khiến cho đường phố luôn đầy rác, túi ni lông. Chúng tôi phải quét và dọn từ sáng đến tối mà còn quá tải”.
Chị Mai Anh cũng cho biết, lượng rác thải nhựa gần đây có xu hướng tăng cao. Vào thời điểm dịch bệnh, càng nhiều người dân sử dụng đồ nhựa dùng một lần khi mua đồ ăn, đồ uống từ các hàng quán trên đường.
Rác thải nhựa xuất hiện tràn lan sẽ gây ra ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng, đồng thời làm mất đi vẻ đẹp của mỹ quan đô thị. Hiện nay, vẫn chưa có cách xử lý rác triệt để mà không gây hại tới môi trường. Nhiều nơi vẫn còn cách xử lý rác thải bằng cách chôn rác thải nhựa xuống đất hoặc đốt trực tiếp.
Rác thải nhựa xuất hiện nhiều ở gốc cây, cột điện… |
Khi chôn rác thải nhựa xuống đất, rác sẽ tan rã thành các hạt vi nhựa với nhiều kích cỡ lẫn vào môi trường đất, nước, không khí. Còn nếu đốt rác nhưng chưa được thực hiện đúng cách sẽ sản sinh ra khí độc hại làm ô nhiễm môi trường không khí.
Chính những điều này gây ra hệ lụy đối với cây trồng, các loài sinh vật và thậm chí là sức khỏe con người. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp để giảm thiểu việc sử dụng cũng như xử lý rác thải nhựa, tăng cường bảo vệ môi trường sức khỏe của cộng đồng ngay cả trong thời điểm dịch bệnh.
Yến Mai
Theo