Thứ sáu 29/03/2024 16:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Nhiều biện pháp để giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%

18:49 | 21/03/2023

Thành phố Hà Nội phấn đấu đạt kết quả giải ngân đầu tư công đến hết tháng 6 năm nay khoảng 40-45%; phấn đấu cả năm 2023 đạt từ 95-100% kế hoạch đề ra.

Hà Nội: Nhiều biện pháp để giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%
(Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thành phố Hà Nội đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố đang tập trung nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và chỉ đạo các cấp, ngành cần quyết liệt hơn nữa để đạt kế hoạch đề ra.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố đang phấn đấu đạt kết quả giải ngân đầu tư công đến hết tháng 6 năm nay khoảng 40-45%; phấn đấu cả năm 2023 đạt từ 95-100% kế hoạch đề ra.

Mục tiêu lớn của thành phố là các sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư phải khẩn trương vào cuộc có các biện pháp để thực hiện giải ngân theo lộ trình đã xây dựng từ trước; trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng chi tiết kế hoạch giải ngân từng quý, giao theo đầu mối các chủ đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa chỉ đạo các đơn vị đã được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, trình Hội đồng Nhân dân thành phố phê duyệt tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố giữa năm 2023 (dự kiến đầu tháng 7/2023) đối với 62 dự án mới đã được dự kiến nguồn vốn tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 mà đến nay chưa được phê chủ trương đầu tư.

Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đối với 106 dự án cấp thành phố thuộc danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án, cố gắng hoàn thành trong quý 2-3/2023.

Các đơn vị thẩm định dự án hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì thẩm định 6 dự' án lĩnh vực quốc phòng, an ninh; Sở Giao thông Vận tải chủ trì thẩm định 37 dự án, Sở Xây dựng chủ tri thẩm định 30 dự án; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thẩm định 33 dự án.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo, thời gian tới các đơn vị cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư điều chỉnh dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công-dự toán để sớm khởi công công trình.

Đối với các dự án chuyển tiếp cấp thành phố cần phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án mới được giải ngân năm 2023 như các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, các sở chuyên ngành thẩm định trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, hoàn thành trong tháng 4/2023.

Hà Nội: Nhiều biện pháp để giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%
Dự án xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là một trong những dự án nằm trong danh mục công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội, mục tiêu hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của thành phố Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Đối với các dự án cấp thành phố chưa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình duyệt; Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành trong tháng 3/2023.

Đối với các dự án cấp thành phố chưa phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công-dự toán, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, các sở chuyên ngành thẩm định trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, hoàn thành trong tháng 06/2023.

Đối với các dự án cấp huyện, giao ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng chuyên môn sớm hoàn thiện các báo cáo thẩm định để trình cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục đầu tư phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thiết kế kỹ thuật-dự toán; kết quả đấu thầu; quyết định điều chỉnh dự án.... hoàn thành trong tháng 04/2023.

Về việc đề xuất, bố trí kế hoạch vốn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư rà soát kỹ khả năng thực hiện dự án để đề xuất bố trí kế hoạch vốn cho phù hợp, khắc phục tình trạng không giải ngân được hết kế hoạch vốn do tính toán, đề xuất không hợp lý. Đặc biệt là đối với các dự án bổ sung kế hoạch vốn trong năm.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư để xác định nhu cầu vốn cần bổ sung cho các dự án mới hoặc các dự án chuyển tiếp đẩy nhanh tiến độ cần bổ sung thêm vốn.

Sở tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trình Hội đồng Nhân dân Thành phố tại kỳ họp tháng 7/2023 rà soát, điều chuyển vốn từ các dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, các dự án chậm triển khai, giải ngân, không khắc phục được các vướng mắc sang các dự án có khả năng thực hiện, hấp thụ vốn tốt hơn.

Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố cân đối nguồn vốn bố trí đảm bảo theo tiến độ dự án; rà soát, đôn đốc công tác quyết toán công trình hoàn thành.

Đối với các dự án có 2 nguồn vốn (kế hoạch năm 2023 và kế hoạch năm 2022 kéo dài), Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các chủ đầu tư tập trung thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài trước khi thực hiện thanh toán kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Trong trường hợp dự kiến không giải ngân hết 100% cả 2 nguồn vốn, chủ đầu tư chủ động rà soát, đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2023 để tập trung giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài, tránh việc bị hủy dự toán.

Kho bạc Nhà nước Hà Nội hướng dẫn các Kho bạc Nhà nước quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư trong việc kiểm soát giải ngân đối với vốn xổ số kiến thiết Thủ đô năm 2023, vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 trước khi giải ngân các nguồn vốn khác trong kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục phát huy tính chủ động và quyết liệt trong điều kiện được Thành ủy Hà Nội phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ và giao làm chủ đầu tư nhiều dự án cấp thành phố. Tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án cấp thành phố, khắc phục tình trạng giải ngân vốn các dự án cấp Thành phố còn thấp như một số năm gần đây.

Đối với các dự án vướng mắc về giải phòng mặt bằng (đến thời điểm 01/3/2023 là 98 dự án, gồm 75 dự án cấp thành phố và 23 dự án dự án ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện). Chủ tịch thành phố yêu cầu các chủ đầu tư, ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân; đề xuất với Sở Tài nguyên và Môi trường để giải quyết hoặc báo cáo ủy ban nhân dân thành phố đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân Thành phố. (hoàn thành trong tháng 4/2023 đối với các dự án có vướng mắc về nguồn gốc đất; hoàn thành trong tháng 5/2023 đối với các dự án có vướng mắc về giá).

Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cần phải tích cực trong việc phối hợp với các Ban quản lý dự án chuyên ngành của thành phố để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án cấp thành phố trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổng hợp, tham mưu ủy ban nhân dân thành phố về giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của các dự án./.

Theo Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Nhà thầu phụ có được thuê lại nhân công của chủ đầu tư?

    (Xây dựng) - Bà Hoàng Thị Hóa (Quảng Bình) đang công tác tại đơn vị sự nghiệp, tự bảo đảm chi thường xuyên. Đơn vị có 250 viên chức và người lao động thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chính do UBND thành phố giao.

  • Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước về hút FDI trong quý I/2024

    (Xây dựng) – Với nhiều chính sách phù hợp trong thu hút đầu tư, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng quan điểm chỉ đạo nhất quán trong điều hành, điều chỉnh chính sách thu hút FDI của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã giúp tỉnh này đứng thứ 2 cả nước, về hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý I/2024.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hợp tác với 5 tỉnh Tây Nguyên để phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) – Trong 2 ngày 3 - 4/4, tại khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông) sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng thời triển khai kế hoạch hợp tác năm 2024 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.

  • Hà Tĩnh: Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp quý I/2024 ước tăng 4,27%

    (Xây dựng) - Quý I/2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực ổn định hoạt động sản xuất; tích cực đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ… Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh quý I tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2023

  • Tây Ninh: Nhiều điểm sáng trong quý I/2024

    (Xây dựng) - Kết thúc quý I/2024, tỉnh Tây Ninh đạt được kết quả nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm 2023, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được phục hồi, GRDP tăng 8%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ. Tây Ninh đặt kế hoạch đạt 50% giải ngân vốn đầu tư công của năm trong quý II/2024.

  • Đề nghị sử dụng chi thường xuyên để nâng cấp công trình dự án đã xây dựng

    (Xây dựng) - Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load