(Xây dựng) - Mặc dù, 18 hộ dân thuộc phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội) đã được đưa vào danh sách cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng được sự vận động của chính quyền cơ sở, các hộ dân này đã tự nguyện nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng để mở đường, phát triển hạ tầng cơ sở, giảm tải ùn tắc giao thông. Đây là điểm sáng về công tác dân vận, sự gắn kết, đoàn kết, sẻ chia và thấu hiểu giữa chính quyền và nhân dân tại quận Thanh Xuân.
Cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân bàn giao tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB cho người dân. |
Ngày 30/10/2017, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Quyết định số 4338/QĐ-UBND phê duyệt Dự án xây dựng tuyến đường vào cụm 3 trường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2017-2019. Tuy nhiên, tại khu vực mở đường này hiện trạng là khu dân cư đông đúc, nhà cửa mọc lên san sát trong đó một số là các hộ dân mua bán đất từ 10-20 năm trước qua giấy tờ viết tay, không có sổ đỏ, hầu hết là đất nông nghiệp rồi xây dựng nhà ở, khi Nhà nước thu hồi đất GPMB, ban đầu các hộ dân chưa đồng thuận, cho rằng Nhà nước phải bố trí tái định cư, phải bồi thường theo giá đất ở mới chịu di dời, bàn giao mặt bằng. Bởi vậy công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB gặp nhiều khó khăn khiến dự án bị chậm tới thời điểm này.
Theo tìm hiểu, được biết Dự án xây dựng tuyến đường vào cụm 3 trường Thanh Xuân Nam hoàn thành sẽ giải quyết đáng kể tình trạng giao thông ùn tắc tại khu vực ngõ 168 Nguyễn Xiển bởi trong con ngõ này có tới 5 trường học gồm: Trường Mầm non Tuổi Hoa, Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam, Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân Nam, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Lân, Trường liên cấp Trung học cơ sở - Tiểu học Vietschool Pandora và 1 chung cư.
Để phục vụ cho công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ GPMB, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Kế hoạch số 249/KH-UBND về tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất GPMB để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường vào cụm ba Trường Thanh Xuân Nam (đợt 1) thuộc phường Hạ Đình.
Đối tượng cưỡng chế gồm 18 hộ gia đình, cá nhân chưa đồng thuận nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng (6 trường hợp tháo dỡ toàn bộ công trình; 11 trường hợp cắt xén, 1 trường hợp đất trống; trong đó có 1 nhà BTCT 5 tầng; 3 nhà BTCT 4 tầng; 2 nhà BTCT 3 tầng; 11 nhà G1 mái tôn và 1 khu đất trống). Địa điểm tại ngõ 168 đường Nguyễn Xiển và hẻm 93/20/475, hẻm 63/20/475 đường Nguyễn Trãi, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội. Thời gian tổ chức cưỡng chế vào 08 giờ 30 ngày 16/11/2023.
Khu vực thu hồi đất GPMB đã được người dân đồng thuận nhận tiền hỗ trợ. |
Theo ông Nguyễn Hồng Thái, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình: “Dự án chậm hoàn thành cơ bản do công tác GPMB còn vướng nhiều hộ dân chưa đồng thuận thời gian dài, sở dĩ có vấn đề này vì người dân chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật, chưa nhận thức đầy đủ quy định pháp luật nên chưa tự nguyện bàn giao mặt bằng. Đặc biệt nhiều trường hợp mua bán, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, đất không có giấy tờ quyền sử dụng đất từ 10 - 20 năm trước nhưng cứ yêu cầu phải được bồi thường và bố trí tái định cư mới tự nguyện bàn giao mặt bằng.
Thời gian gần đây, do tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy; Ủy ban nhân dân; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường; hệ thống chính trị khu dân cư làm tốt công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kết hợp với công tác tuyên truyền, giải thích, vận động với phương châm “Đúng, trúng” tư tưởng của người dân kết hợp với tinh thần tuyên truyền tại trụ sở UBND phường kết hợp với phương án đi từng ngõ, gõ từng nhà, giải thích cặn kẽ, thắc mắc của người dân. Bên cạnh đó là công tác phối hợp từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân, trên cơ sở đó người dân đã nhận thức đúng đắn các quy định pháp luật, cho đến thời điểm này cả 18/18 hộ dân (đợt 1) thuộc diện phải cưỡng chế thu hồi đã đồng thuận nhận tiền hỗ trợ bồi thường GPMB, do đó không còn trường hợp nào phải tiến hành cưỡng chế.
Bà Lê Thị Hạnh có địa chỉ tại số 53, hẻm 63/20/475 Nguyễn Trãi, phường Hạ Đình là trường hợp cuối cùng trong số 18 người nhận bồi thường, hỗ trợ GPMB đợt 1 cho biết: Nhà bà đã mua đất, xây nhà từ 20 năm trước nhưng chỉ có giấy tờ viết tay, không có sổ đỏ, nhà bà có diện tích thu hồi khoảng hơn 10m2 (khoảng 1/3 căn nhà), ban đầu do chưa hiểu biết và nhận thức đầy đủ quy định pháp luật nên không đồng thuận nhận tiền, bàn giao mặt bằng nhưng sau khi được vận động, giải thích đầy đủ, nhà bà cũng không cung cấp thêm được các giấy tờ về đất để được bồi thường tái định cư theo quy định nên gia đình bà đã chấp nhận bàn giao mặt bằng, nhận tiền bồi thường để không phải cưỡng chế. Bà cũng mong Nhà nước hỗ trợ để sau khi tháo dỡ 1 phần nhà sẽ cải tạo, sửa chữa để tiếp tục ổn cuộc sống, số tiền gia đình bà nhận được là gần 100 triệu đồng.
Qua công tác giải phóng mặt bằng tại phường Hạ Đình có thể thấy việc khó đến đâu, nếu được nhân dân thấu hiểu, sẻ chia và đồng tình sẽ thuận lợi hơn rất nhiều từ phía chính quyền và nhân dân. Từ đó thấy rằng công tác dân vận là rất quan trọng, điều này lúc sinh thời Hồ Chủ tịch đã từng nói: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Đỗ Quang
Theo