Thứ bảy 20/04/2024 15:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Người dân mắc kẹt trong những chung cư cũ “chờ sập”

11:13 | 01/04/2021

(Xây dựng) – Vấn đề cải tạo chung cư cũ tại các quận nội đô lịch sử vướng mắc nhiều năm qua với nhiều nguyên nhân. Tỷ lệ cải tạo chung cư cũ vẫn rất thấp, nhiều người dân còn lo lắng “dễ đi khó về”…. Tuy nhiên, với quy hoạch phân khu 4 quận nội đô được công bố, công tác di dời và cải tạo nhà chung cư cũ, xuống cấp sẽ được triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn.

ha noi nguoi dan mac ket trong nhung chung cu cu cho sap
Đơn nguyên 1 và 2 khu tập thể Bộ Tư pháp tách rời nhau.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố còn khoảng 1500 chung cư cũ, tập thể cũ. Cụ thể, hơn 980 chung cư được xây dựng trước năm 1990 và tập trung tại các quận nội thành cũ. Tổng diện tích các chung cư này lên tới 1,7 triệu mét vuông và cần được cải tạo xây dựng lại. Ngoài ra còn các khu nhà tập thể đơn lẻ, quy mô nhỏ, khu nhà do các cơ quan tự quản nằm rải rác, xen kẽ trong các khu phố.

Đặc biệt, có rất nhiều khu tập thể xuống cấp ở mức C, thậm chí là nguy hiểm cấp độ D – cần di dời dân gấp. Mật độ xây dựng tại các khu tập thể đều tăng cao, các hộ dân sửa chữa, cơi nới các “chuồng cọp”, hạ tầng xuống cấp và gây mất mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, thực tế nhiều người dân vẫn còn nỗi lo “dễ đi khó về” khiến việc cải tạo chung cư vẫn chưa có nhiều tiến triển. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách vẫn chưa thực sự dung hòa được mối quan hệ giữa chủ đầu tư với người dân và Nhà nước.

ha noi nguoi dan mac ket trong nhung chung cu cu cho sap
Người dân cơi nới chuồng cọp khiến bộ mặt khu tập thể xuống cấp, nhếch nhác.

Các chuyên gia đánh giá, có ba khó khăn lớn trong cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ. Thứ nhất là quy hoạch hạn chế chiều cao, mật độ các công trình nội đô, nguồn lực trong việc tái định cư cho người dân. Cuối cùng là việc sở hữu chồng chéo của người dân tại các chung cư cũ.

Nằm tại ngõ 35 Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Đình, khu nhà tập thể Bộ Tư pháp đã xuống cấp nghiêm trọng. Đơn nguyên 1 và 3 bị sụt lún, tách rời nhau và được xác định nguy hiểm cấp độ D. Hầu hết các hộ dân đều đã di dời theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bác Trần Huy Liệu – sinh sống 27 năm tại đơn nguyên 2 khu tập thể Bộ Tư pháp: Khu vực này xây dựng từ năm 1993, nhà này khi xây dựng có 3 đơn nguyên. Đơn nguyên 1 và 3 sau khi có kết quả giám định của Bộ Xây dựng, cách đây 3 năm, thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội và UBND thành phố, người dân đã đi tạm cư ở nơi khác để đảm bảo an toàn. Đơn nguyên 2 vẫn còn vững chãi nhưng cũng đã xuống cấp về mặt hình thức. Chúng tôi rất hy vọng đến ngày nào đó, có 1 dự án được triển khai để xây dựng khu tập thể này to đẹp hơn, khang trang hơn, chúng tôi được hưởng tiện ích, hiện đại. Vì vậy, chúng tôi rất mong Nhà nước sớm tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội, để doanh nghiệp nào đó được đầu tư vào đây. Khi có dự án được triển khai mang tính khả thi và có lộ trình rõ ràng, chúng tôi sẵn sàng dời đi theo đúng yêu cầu, quy định.

Cũng thuộc quận Ba Đình, đơn nguyên 1 – nhà A, khu tập thể Ngọc Khánh nằm trong danh sách nguy hiểm cấp độ D. Khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng và xập xệ. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không muốn chuyển đi do lo sợ sẽ phải ở khu tạm cư, chưa biết ngày về.

ha noi nguoi dan mac ket trong nhung chung cu cu cho sap
Biển cảnh báo tại khu tập thể Ngọc Khánh.

Phía bên trong khu chung cư tường sơn bong tróc, nhiều nơi rêu bụi bám đầy, màu sơn vàng cam đã ngả ố sang màu nâu đen. Bên ngoài, một tấm biển màu đỏ cỡ lớn thông báo của UBND phường Ngọc Khánh ghi rõ nội dung: Đơn nguyên 1 - nhà A Ngọc Khánh được cơ quan có thẩm quyền kiểm định, đánh giá tổng thể xác định mức độ nguy hiểm cấp D theo TCVN 9381:2012; TCVN:2737:1995; TCVN 5574:2012 không đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể.

Một người dân sống tại đơn nguyên 2 – nhà A cho biết: Người dần đếu muốn đồng thuận theo chủ trương của UBND thành phố khi chung cư đã ở tình trạng xuống cấp, nguy hiểm. Tuy nhiên, cần phải thông tin đầy đủ cho nhân dân thì các hộ gia đình mới yên tâm di dời khi được yêu cầu. Bởi lẽ, ai cũng muốn có một căn nhà vững chãi và hiện đại hơn.

Không chỉ vậy, nhiều người dân cũng rất quan tâm đến hệ số bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư tại chỗ khi nhà mới hoàn thành. Chỉ khi chủ đầu tư, Nhà nước đưa ra những giải pháp khả thi và có lộ trình rõ ràng, họ mới có thể an tâm rời khỏi những khu tập thể xuống cấp.

Gần đây, với thông tin quy hoạch phân khu 4 quận nội đô lịch sử (gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) được phê duyệt và công bố vào ngày 22/3 đã thể hiện tư duy quy hoạch đổi mới, tạo điều kiện để Hà Nội đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ và là công cụ tháo gỡ các “điểm nghẽn” phát triển đô thị tại các quận nội thành cũ.

Như vậy, xác định việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ vừa là nhiệm vụ chính trị cấp bách mang tính xã hội, vừa là cơ hội để Hà Nội tái thiết đô thị, nâng cấp diện mạo, cảnh quan và phát triển kinh tế, UBND thành phố Hà Nội đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, chỉ đạo các biện pháp tổ chức, thực hiện và cho phép thành phố xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Hiện nay Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư dự kiến trình Chính phủ ban hành vào Quý II/2021. Vì vậy, các vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của thành phố Hà Nội nêu trong Đề án, Bộ Xây dựng ghi nhận để tiếp thu, sửa đổi, bổ sung trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP.

Diệu Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load