(Xây dựng) - Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số nhà chung cư cũ (CCC) được cải tạo, sửa chữa trên toàn quốc trong hơn 10 năm qua vẫn chưa chạm mốc 20 dự án, đạt dưới 3% tổng số cần được thực hiện và nhu cầu cao nhất vẫn thuộc về 02 đô thị lớn là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế trên cho thấy, việc cải tạo CCC còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và rất cần các giải pháp tháo gỡ.
Cải tạo CCC hiện đang gặp một số vướng mắc liên quan đến bố trí quỹ đất và vốn hỗ trợ lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng dự án cải tạo, xây dựng lại CCC. |
Thống kê tại các đô thị trên cả nước có khoảng 2.500 khối nhà CCC. Qua rà soát, kiểm định an toàn chịu lực nhà CCC (chưa đầy đủ), hiện có khoảng trên 600/2.500 nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng (chất lượng cấp C, cấp D), chiếm 25% tổng số, tập trung chủ yếu tại 02 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khác.
Trên thực tế, trong quá trình thực hiện cải tạo, xây dựng lại CCC tại các đô thị đã xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ để đẩy nhanh việc thực hiện chính sách này.
Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay tiến độ việc thực hiện kiểm định chất lượng của các nhà chung cư tại các địa phương để xác định nhà chung cư nào thuộc diện phải phá dỡ, nhà chung cư nào có thể cải tạo được và nhà chung cư nào cần phải gia cố, gia cường còn chậm so với yêu cầu đề ra, dẫn đến việc triển khai các bước tiếp theo của chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bị chậm.
Theo quy định thì việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải được thực hiện theo dự án, không thực hiện việc xây dựng lại đơn lẻ từng nhà (trừ trường hợp chung cư độc lập). Tuy nhiên thực tế, đối với các nhà chung cư thuộc diện nguy hiểm phải di dời khẩn cấp để phá dỡ, xây dựng lại nhưng nằm trong tổng thể của khu chung cư thì việc thực hiện phụ thuộc vào việc lập quy hoạch, dự án toàn khu…
Riêng đối với 02 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề cải tạo CCC hiện đang gặp một số vướng mắc đó là: Số lượng nhà CCC trên địa bàn lớn, tình trạng sở hữu, sử dụng đa dạng thuộc nhiều cơ quan, đơn vị quản lý dẫn đến khó tiếp cận, kiểm đếm, rà soát chất lượng trong thời gian ngắn. Đa số nhà CCC tập trung tại khu vực nội thành cũ, thuộc khu vực hạn chế phát triển về mật độ, tầng cao và đặc biệt là dân số. Việc điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ...
Bên cạnh đó, ngân sách của thành phố hạn chế, chưa chủ động, linh hoạt để bố trí quỹ đất và vốn hỗ trợ lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng dự án cải tạo, xây dựng lại CCC...
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cải tạo CCC, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Các địa phương, đặc biệt là 02 thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung ưu tiên ngân sách thực hiện trước và hoàn thành việc rà soát, đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực đối với nhà chung cư theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 15/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị; hoàn thành việc lập, phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại CCC trên địa bàn theo đúng quy định tại Điều 6, Điều 7 của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Tổ chức lập, phê duyệt, công bố quy hoạch xây dựng phân khu 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực, dự án có nhà CCC làm cơ sở để triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn. Nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích hỗ trợ đầu tư xây dựng và việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn.
Đồng thời, chủ động tạo lập quỹ nhà, quỹ đất để bố trí tái định cư, bố trí tạm cư và tổ chức di dời các hộ gia đình đang sinh sống tại các nhà CCC thuộc diện nguy hiểm.
Linh Đan
Theo