(Xây dựng) – Mới đây, Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội ban hành Thông báo số 323/TB-BCĐ về kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo tại phiên họp số 30.
Biện pháp cách ly, giãn cách xã hội mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hiện nay là phương án tối ưu nhất mà thành phố Hà Nội đã thực hiện. |
Thành phố tiếp tục tập trung mọi nguồn lực và quán triệt quan điểm hành động “quyết liệt, chính xác, nhanh chóng, dứt khoát”. Xác định việc phòng bệnh là quan trọng nhất, cần tiếp tục thực hiện triệt để việc tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh. Tùy từng trường hợp cụ thể, Sở Y tế có hướng dẫn, cần thiết tăng thời gian thực hiện cách ly, triển khai mở rộng test nhanh, test RT-CCR trên địa bàn để phát hiện các ca nhiễm ngoài cộng đồng, nhanh chóng phát hiện nguồn lây nhiễm để có phương án ngăn chặn kịp thời.
Trong thời gian tới, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn phải thực hiện nghiêm lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Quốc gia, Thành ủy, Ban chỉ đạo thành phố. Đặc biệt là các Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 2601 ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ; Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 03/4/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND thành phố và Thông báo số 319/TB-BCĐ ngày 04/4/2020 của Ban chỉ đạo thành phố.
Đồng thời, các địa phương phải chuẩn bị tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, công tác an sinh xã hội. Trang thiết bị y tế đảm bảo luôn sẵn sàng cho mọi tình huống phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh trên địa bàn. Tổ chức xác minh chính xác, nhanh chóng cách ly tất cả các trường hợp F1, F2 theo quy định. Tổ chức xét nghiệm ngay cho trường hợp F1 và các trường hợp nghi ngờ.
Ngoài ra, phối hợp Công an thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô và ngành Y tế tổ chức đo thân nhiệt cho người dân, phun khử khuẩn cho tất cả các phương tiện giao thông lưu thông tại các chốt phòng, chống dịch trên địa bàn.
Công tác tuần tra, kiểm soát phải thực hiện quyết liệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 2601 ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Đặc biệt, khuyến cáo người dân tại các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc những nơi có liên quan đến việc phát hiện các ca nhiễm bệnh, có thể tự nguyện kéo dài thời gian cách ly tại nhà thêm 14 ngày, sau khi trở về từ khu cách ly tập trung, vì đã xuất hiện ca dương tính sau 23 ngày ủ bệnh.
Các quận, huyện trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền, rà soát các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, đặc biệt là lái xe taxi, lái xe công nghệ, xe ôm phục vụ tại cổng Bệnh viện. Yêu cầu mọi người dân khi di chuyển phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m khi đi siêu thị, cửa hàng mua sắm đồ thiết yếu. Thường xuyên rửa tay, không đưa tay lên mặt và bắt tay người khác. Người cao tuổi và người có bệnh lý nền không đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết.
Riêng Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cần thường xuyên cập nhật, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan trước tình hình hiện nay. Khẩn trương chuẩn bị tốt trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, kể cả tình huống xấu nhất.
Tiếp tục quán triệt ngành Y tế thành phố hiểu rõ được tính nguy hiểm của dịch bệnh. Đặc biệt, phải khẩn trương, quyết đoán, vì trong tình hình cấp bách chần chừ sẽ mất đi cơ hội. Hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn rà soát, hoàn thiện quy trình trình khám, chữa bệnh trong giai đoạn hiện nay, cần thiết thay đổi quy trình cho phù hợp với tình hình thực tế. Tất cả trường hợp được khám, chữa bệnh khi đến các cơ sở khám chữa bệnh đều phải khai báo y tế (lộ trình đi lại, đặc biệt lưu ý các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai và yếu tố có người nhà, người thân đi từ vùng dịch về).
Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã đôn đốc các bệnh viện cần khẩn trương rà soát lại tất cả các nhu cầu về trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh; công tác khám, chữa bệnh. Khẩn trương tổ chức mua sắm, đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu của công tác phòng, chống dịch và công tác khám, chữa bệnh. Trong tháng 4/2020, khẩn trương tổ chức đấu thầu các gói về vật tư tiêu hao cho ngành Y tế thành phố.
Tiếp tục phối hợp các địa phương thực hiện mở rộng việc test nhanh và test RT-PCR đối với các trường hợp F1 và trường hợp nghi ngờ. Nghiên cứu, đề xuất phương án test đối với tất cả nhân viên ở các khoa, phòng thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân của ngành Y tế thành phố, để phòng ngừa, đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống và khám chữa bệnh.
Cuối cùng, Sở Công Thương thực hiện tốt công tác kết nối cung cầu hàng hóa của các tỉnh, thành với Hà Nội và tiếp tục làm việc với các đơn vị cung ứng các dịch vụ thiết yếu, các chuỗi bán lẻ đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cũng như hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về trang thiết bị y tế trên địa bàn yên tâm tập trung sản xuất.
Đến nay, trên thế giới ghi nhận tổng số gần 1,3 triệu ca mắc Covid-19 tại 208 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 70 nghìn ca tử vong. Các ca nhiễm và tử vong vẫn đang tiếp tục tăng cao, không loại trừ yếu tố tuổi đời, thời tiết và vùng lãnh thổ, bệnh nhân có bệnh nền và tuổi cao có nguy cơ bị nhiễm bệnh và tử vong cao hơn. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài như Hàn Quốc đã trường hợp 27 ngày, Mỹ là 22 ngày, đặc biệt gần đây tại Vũ Hán là 39 ngày. Chưa quốc gia nào xác định được thời gian kết thúc dịch bệnh, chưa sản xuất được Vaccin phòng bệnh. Dịch Covid-19 đã có nhiều tác động tiêu cực, làm xáo trộn hoạt động sản xuất, kinh tế - xã hội. Do thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch nên tại Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong do dịch, giúp giảm gánh nặng cho y tế. Tuy nhiên, vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ tăng các ca lây nhiễm vì đã xuất hiện những trường hợp nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, không xác định được nguồn lây nhiễm. Hà Nội hiện vẫn là địa phương có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất cả nước với 3 nguồn lây nhiễm chính: Người nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam (đã được đưa đi cách ly tâp trung ngay sau khi về nước), những trường hợp này cơ bản đã kiểm soát được; Những ca lây nhiễm chéo trong cộng đồng; Tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai. Tính đến ngày 6/4/2020, Hà Nội có 98 ca mắc. Trong đó, phát hiện tại sân bay/khu cách ly tập trung (chưa về cộng đồng) là 37 ca. Phát hiện tại cộng đồng: 61 ca, trong đó 37 ca có liên quan tới ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (22 người là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh). Hiện 31 trường hợp đã khỏi và ra viện, còn 67 trường hợp đang điều trị. Đặc biệt nguy hiểm là đã xuất hiện ca dương tính sau 23 ngày đưa người thân đến khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Diệu Anh
Theo