(Xây dựng) – Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, mạng lưới xe buýt của thành phố đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, phục vụ 453/584 số xã, phường, thị trấn đạt 78%.
Vận tải hành khách công cộng được nâng cao về số lượng phương tiện (Ảnh: Internet). |
Vừa qua, UBND thành phố có Báo cáo số 606/BC-UBND báo cáo Thành ủy kết quả triển khai Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 của HĐND thành phố về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”.
Kết quả, đến nay tình trạng ùn, tắc giao thông đã từng bước được giải quyết có hiệu quả. Năm 2016: 41 điểm; năm 2017: 37 điểm; năm 2018 còn 33 điểm; đến tháng 10/2019 còn 27 thường xuyên ùn tắc giao thông; Vận tải hành khách công cộng được nâng cao về số lượng phương tiện, đến nay toàn thành phố đã đưa thêm 14 tuyến buýt mới vào hoạt động nâng tổng số tuyến toàn mạng lên 124 tuyến.
Hiện nay, mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến 453/584 số xã, phường, thị trấn (đạt 78%); 66/71 bệnh viện (đạt 93%); 296/708 các trường THCS, THPT đạt (42%); 32/37 các khu công nghiệp (đạt 86%); 82/85 các khu đô thị mới (đạt 96%).
Vận tải hành khách công cộng tiếp tục có sự tăng trưởng. Tổng sản lượng vận chuyển hành khách công cộng năm 2019 ước đạt 948,5 triệu lượt hành khách. Đối với các nhiệm vụ vượt quá thẩm quyền đã nêu trong Quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 UBND thành phố báo cáo Chính phủ thì đều được Chính phủ thống nhất chủ trương, quan tâm chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương phối hợp thực hiện.
Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ quyết liệt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khung theo quy hoạch và các kế hoạch đã có; Tập trung mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ nay đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng vào năm 2020 đạt trên 20% và các điều kiện thực hiện dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông nhằm phát huy tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, đảm bảo trật tự an toàn giao thông góp phần hạn chế tai nạn giao thông.
Hoàn thiện 02 Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”; “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.
Tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng giao thông cá nhân.
Tuệ Minh
Theo