Thứ tư 11/12/2024 09:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Nội làm gì để xanh hoá xe buýt

19:07 | 28/11/2023

(Xây dựng) - Ngày 28/11, tại Hà Nội, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm “Hà Nội làm gì để xanh hoá xe buýt”, các ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, nhà quản lý tham dự tọa đàm đã chỉ ra những khó khăn nhất định trong việc "xanh hoá" xe buýt, đồng thời đưa ra những gợi mở để xe buýt Thủ đô chuyển đổi, sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường theo đúng lộ trình Chính phủ yêu cầu.

Hà Nội làm gì để xanh hoá xe buýt
Các đại biểu tham gia toạ đàm.

Theo lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Song, thực tế hiện nay, Hà Nội có tới 2.034 xe buýt trợ giá nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe CNG và 138 xe buýt điện đạt 13,6% toàn mạng. Trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Còn lại 1.575 phương tiện đang sử dụng nhiên liệu diezel cần thay thế. Tuy nhiên, chi phí đầu tư phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh cao gấp 2-4 lần so với xe buýt diesel đang là những khó khăn, thách thức lớn.

Hà Nội làm gì để xanh hoá xe buýt
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, hiện có nhiều rào cản với việc “xanh hóa” là cơ chế chính sách, nguồn lực chuyển đổi và hạ tầng phục vụ. Đây là điều các cơ quan quản lý cũng nhìn nhận rõ. Điều này cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ngành cũng như các đơn vị doanh nghiệp liên quan. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, để đáp ứng đúng theo lộ trình của Chính phủ và Thành phố đưa ra thì mỗi năm cần chuyển đổi gần 200 phương tiện, bởi vậy cần phải có hạ tầng thật tốt để phục vụ hoạt động này. Nguồn điện cung cấp cho các phương tiện khi chuyển đổi là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn này.Hiện việc đầu tư cho công nghệ cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Bởi chi phí cho chuyển đổi công nghệ và chuyển đổi nguồn nhân lực đóng vai trò rất lớn, góp phần giúp hoạt động “xanh hóa” thành công

Ông Phạm Đình Tiến - Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội thông tin, hiện Trung tâm đã tham mưu cho các cơ quan như Sở và Thành phố định mức đơn giá liên quan. Trong đó, Hà Nội ưu tiên sử dụng phương tiện sạch trong đấu thầu, đặt hàng, mở các tuyến xe buýt mới, cùng đó là các chính sách ưu đãi về lãi suất vay, đầu tư phương tiện. Đến nay, tại Hà Nội đã vận hành 10 tuyến xe buýt CNG, 9 tuyến xe buýt điện đầu tiên trên cả nước. Ngoài ra, Trung tâm đã chủ động tham mưu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội báo cáo Thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phương tiện diezel sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh, sạch.

Theo lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876 ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông Vận tải, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Lê Mỹ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load