Thứ ba 05/11/2024 01:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Hà Nội: Lại đồng ý cho thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo

20:48 | 12/10/2021

(Xây dựng) – Sau bài viết “Đừng sử dụng “tùy tiện” ngôn ngữ kiến trúc và văn hóa vào công trình xây dựng” đăng trên Báo điện tử Xây dựng, đã có nhiều ý kiến đóng góp từ chuyên gia và người dân. Tiếp thu ý kiến phản biện, Hà Nội đã chấp thuận cho thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Theo đó, việc thi tuyển do Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất và được Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đồng ý ngày 11/10.

ha noi lai dong y cho thi tuyen phuong an kien truc cau tran hung dao
Thiết kế mang phong cách “xứ Đông Dương” nổ ra 1 cuộc tranh luận gay gắt với thiết kế cầu Trần Hưng Đạo.

Theo đó, UBND TP Hà Nội vừa đồng ý với đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và giao Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố (đơn vị tổ chức thi tuyển) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo quy định của Luật Kiến trúc.

Trước đó, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh ký văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội về các vấn đề liên quan đến phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.

Được biết, ngày 28/9 Sở Quy hoạch Kiến trúc đã tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan để bàn tiếp tục thực hiện việc tuyển chọn hay tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc chỉ có một đơn vị tư vấn chuyên ngành về giao thông (Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – TEDI) nghiên cứu đề xuất các phương án về kiến trúc cầu là chưa hợp lý mà cần có sự hợp tác với các đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc có uy tín, kể cả quốc tế. Bên cạnh đó, do vị trí, vai trò cầu Trần Hưng Đạo trong tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và giao thông khu vực rất đặc biệt nên công trình phải tạo điểm nhấn về kiến trúc. Cụ thể, kiến trúc cầu cần mang tinh thần mới, trở thành biểu tượng của thời đại; giàu bản sắc trong thời kỳ phát triển mới, hướng tới tương lai...

Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, do vị trí, vai trò công trình cầu Trần Hưng Đạo trong tổ chức không gian cảnh quan và giao thông khu vực rất đặc biệt nên Hội này mong muốn đây là công trình tạo điểm nhấn về kiến trúc. Cây cầu nên trở thành một biểu tượng về lịch sử, thẩm mỹ và văn hóa đương đại, không nên lặp lại phong cách kiến trúc kiểu Pháp hay Đông Dương…

Hội Kiến trúc sư đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét hai phương án tổ chức thi tuyển rộng rãi. Thời gian thực hiện khoảng 2,5 tháng và có sự tham gia của các đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc quốc tế…Căn cứ ý kiến các đơn vị dự họp, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã đề xuất thành phố tổ chức thi tuyển rộng rãi theo quy định của Luật Kiến trúc và đề nghị của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

ha noi lai dong y cho thi tuyen phuong an kien truc cau tran hung dao
Tổng chiều dài cầu Trần Hưng Đạo 5,5km, vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, kết nối từ ngã năm Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông với đường Nguyễn Văn Linh (Nút giao QL5).

Ngày 1/10/2021, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội (Ban Quản lý) cho biết, hiện nay TP. Hà Nội rất trân trọng mọi ý kiến đóng góp, nhưng đến nay Hà Nội chưa chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư mà mới đang trong quá trình thiết kế, nghiên cứu, báo cáo tiền khả thi. Đồng thời, Ban cũng chỉ có vai trò tổ chức tuyển chọn và tổng hợp ý kiến của hội đồng tuyển chọn, báo cáo Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Thành phố.

Theo Ban Quản lý, việc đặt tên gọi “xứ Đông Dương” chỉ là tên gọi thể hiện ý tưởng ban đầu của thiết kế cổ điển và do đơn vị thiết kế họ tự đặt.

Theo vị đại diện Ban Quản lý này, hiện nay mọi thứ mới đang ở bước đầu, chưa có quyết định cụ thể, sau này có thể TP. Hà Nội sẽ mời các chuyên gia tư vấn hoặc tổ chức thi tuyển để đảm bảo lựa chọn phương án thiết kế được tốt nhất.

Về vấn đề tổ chức thi tuyển hay tuyển chọn, Ban Quản lý cho rằng, theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Kiến trúc, căn cứ vào các điều khoản chuyển tiếp, do cầu Trần Hưng Đạo được bắt đầu triển khai thiết kế từ năm 2016 nên tuyển chọn thiết kế là đúng với quy định của pháp luật (?).

Cũng theo Ban Quản lý, hiện Hà Nội đang giao cho Sở Quy hoạch – Kiến trúc nghiên cứu, thực hiện các bước tiếp theo để báo cáo Thành phố quyết định. Cụ thể thế nào thì phải Sở Quy hoạch – Kiến trúc mới rõ, chứ Ban thì đã làm hết vai trò, trách nhiệm của mình rồi. Sau này nếu Thành phố giao thì Ban tiếp tục thực hiện công việc theo phân công.

Tuy nhiên, theo vị đại diện Ban Quản lý thì hiện nay Hà Nội rất lắng nghe, cầu thị và trân trọng mọi ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, chuyên gia và các Hội nghề nghiệp, người dân nhất là đang trong giai đoạn thiết kế, lựa chọn phương án kiến trúc để đảm bảo lựa chọn được thiết kế cầu Trần Hưng Đạo một cách tốt nhất.

Qua cách trả lời của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho thấy, cách hiểu, cách làm việc là rất quan liêu, thiếu hiểu biết về mặt pháp luật của một cơ quan mà được TP. Hà Nội đặt ra để thực hiện công việc này. Việc đổ trách nhiệm cho Sở Quy hoạch – Kiến trúc trong việc tuyển chọn thiết kế, kiến trúc, đồng thời Ban này cho rằng, công việc này đã được tiến hành từ lâu vì vậy nó được thực hiện theo các điều khoản chuyển tiếp theo quy định của pháp luật mà không phải thi thiết kế kiến trúc. Không hiểu họ hiểu “chuyển tiếp” là thế nào? Nhưng trên thực tế, công trình này đang thực hiện công việc tuyển chọn thiết kế để thực hiện cho việc lập dự án cho đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo. Trong khi quyết định chủ trương đầu tư đối với cấp có thẩm quyền của cầu Trần Hưng Đạo chưa được ban hành, vậy tại sao lại được gọi là chuyển tiếp? Một yêu cầu về năng lực của Ban quản lý dự án theo quy định của pháp luật thì ngoài một số yêu cầu, trong đó có yêu cầu các cán bộ kỹ thuật trực tiếp thực hiện các dự án phải hiểu biết tối thiểu về kiến thức pháp luật xây dựng.

Dù muộn, nhưng Hà Nội đã kịp thời tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như dư luận người dân. Qua đây có thể thấy rằng, việc tranh luận gay gắt liên quan đến thiết kế cầu Trần Hưng Đạo đã phần nào thể hiện được vai trò, tầm quan trọng của nó, đặc biệt khi cầu được đặt ở vị trí nội đô, gần khu phố cổ. Dư luận đang mong chờ ngày được chiêm ngưỡng những bản thiết kế đẹp và mang đậm phong cách kiến trúc nước nhà.

Dự án cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư BOT chiếm 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2025.

Thanh Thanh - Đỗ Quang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load