Thứ ba 05/11/2024 13:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Nội: Không gian các gầm cầu được khai thác ra sao?

18:43 | 22/05/2024

(Xây dựng) – Hiện nay, khu vực gầm của nhiều cây cầu lớn đang được Thành phố Hà Nội tiến hành khai thác nhằm giải quyết các nhu cầu của người dân.

Hà Nội: Không gian các gầm cầu được khai thác ra sao?
Gầm cầu trở thành nơi để xe của người dân khu vực xung quanh.

Trở thành các điểm đỗ xe tạm thời

Theo ghi nhận của phóng viên, một số gầm cầu cạn trên địa bàn thành phố như Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), Ngã Tư Vọng (quận Đống Đa), Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) đã được đưa vào khai thác, trở thành các bãi gửi xe ôtô, xe máy tạm thời.

Với diện tích gầm cầu khoảng 3.000m2, chiều dài gần 1km kéo dài từ cột T2 – T14, gầm cầu Vĩnh Tuy trở thành điểm trông giữ xe ôtô ngày đêm. Khu vực này có hệ thống hàng rào sắt thép bao quanh, được chia làm nhiều khu vực trông giữ xe, đáp ứng được 200 chỗ đỗ ôtô, chưa kể nhiều xe máy khác, đa số là phương tiện của người dân sinh sống trong khu vực gửi cố định theo tháng. Giá vé trông giữ đối với từng loại phương tiện cũng được niêm yết công khai phía cửa vào.

Trên thực tế, việc tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu được đa số người dân ủng hộ. Anh Nguyễn Hoàng Nam (sống tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Lượng xe của người dân trong khu vực này rất đông, nếu để xe ôtô dưới lòng đường sẽ rất nguy hiểm. Vậy nên chúng tôi tạm thời để xe vào bãi đỗ xe dưới gầm cầu Vĩnh Tuy. Tôi thấy gửi xe ở đây khá an toàn, có mái che nên không lo bị hư hỏng”.

Bên cạnh việc được khai thác trở thành bãi đỗ xe, khu vực này hiện cũng đang trở thành điểm bán hàng, trà đá vỉa hè. Tại điểm gầm cầu hướng Long Biên sang Hai Bà Trưng, một số người dân tận dụng mặt bằng trống để bán quán ăn, nước giải khát rất nhộn nhịp. Một số không gian được sử dụng làm thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, phương tiện giao thông đã cũ…

Hà Nội: Không gian các gầm cầu được khai thác ra sao?
Điểm trông giữ xe ngày và đêm tại khu vực gầm cầu Chương Dương.

Còn tại gầm cầu Chương Dương, khu vực này luôn tấp nập người và xe ra vào. Mỗi ngày, điểm trông giữ xe tại gầm cầu này trông giữ hơn 2.000 phương tiện. Vào các buổi tối cuối tuần, số lượng xe gửi tại đây thường tăng cao do nhu cầu của người dân.

Đại diện Công ty Cổ phần Đồng Xuân – Đơn vị quản lý bãi trông xe cho biết: Gầm cầu Chương Dương được khai thác tạm thời ổn định, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết cấu hạ tầng giao thông. Do nằm sát khu phố cổ đông dân cư, gần khu vực không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm nên địa điểm này trở thành chỗ để xe của rất đông người dân và khách du lịch tới đây khi dạo chơi, ăn uống.

Chị Trần Thị Hoa (sống tại quận Long Biên) nói thêm: “Gia đình chúng tôi muốn sang phố cổ chơi thì địa điểm này để xe rất tiện. Cuối tuần chúng tôi thường gửi xe ôtô ở đây. Vì có mái che, người trông nom nên chúng tôi cũng khá yên tâm. Nhưng gầm cầu nằm ở vị trí mật độ phương tiện đi lại đông đúc nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc xe ôtô của gia đình và của những người khác khi ra vào các bãi xe. Mỗi lần lấy xe ra thường khá bất tiện”.

Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ

Nhiều chuyên gia cho rằng, nên khai thác gầm cầu nhằm đảm bảo mục tiêu an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Hà Nội là thành phố lớn, nhu cầu về các tiện ích, không gian công cộng cao. Để tránh lãng phí, ngoài biện pháp xây dựng rào chắn, Hà Nội hoàn toàn có thể xem xét, tính toán nhằm khai thác, tận dụng phần không gian dưới gầm cầu. Thành phố nên khai thác phần không gian dưới gầm cầu làm nhà vệ sinh công cộng, bãi giữ xe, trồng cây…

Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, số lượng phương tiện cá nhân tại Thủ đô đã liên tục tăng trong thời gian qua, kéo theo tình trạng ùn tắc giao thông cũng như thiếu điểm trông giữ xe ngày càng trầm trọng.

Thành phố Hà Nội hiện có trên 7,86 triệu phương tiện giao thông các loại, trong đó ôtô là hơn 1 triệu chiếc; xe máy, mô tô các loại hơn 6,6 triệu chiếc; xe máy điện là hơn 184.000 chiếc. Mỗi năm, số lượng xe tại Thủ đô lại tăng thêm khoảng 390.000 phương tiện, mỗi tháng tăng khoảng 32.700 phương tiện và mỗi ngày tăng khoảng 1.100 phương tiện giao thông các loại.

Hà Nội: Không gian các gầm cầu được khai thác ra sao?
Khu vực gửi xe gầm cầu Chương Dương luôn tấp nập người và xe ra vào.

Nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu chỗ đỗ ôtô ngày càng nghiêm trọng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho phép thành phố tiếp tục sử dụng lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông, đặc biệt là ôtô.

Việc đề xuất sử dụng gầm cầu để trông giữ phương tiện giao thông được xem là một giải pháp tình thế nhằm giải quyết phần nào nhu cầu ngày càng cấp bách ở Hà Nội. Nhiều người dân sống xung quanh khu vực gầm cầu cho rằng, thành phố nên tiếp tục khai thác hiệu quả không gian gầm cầu, duy trì các bãi trông xe để giải quyết tình trạng thiếu chỗ để xe. Tuy nhiên, điều này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn giao thông, cháy nổ; ảnh hưởng tới giao thông khi xe ra vào… nên cần có biện pháp để tăng cường quản lý.

Các chuyên gia nhận định, bố trí điểm đỗ xe dưới gầm cầu là hợp lý để giải quyết nhu cầu dân sinh cần thiết của người dân quanh khu vực trong thời điểm thiếu các điểm trông giữ xe như hiện nay. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng đỗ xe tràn làn ngoài đường, vỉa hè gây mất trật tự an toàn giao thông và cũng hạn chế tình trạng các bãi xe tự phát. Thời gian tới, cần có các giải pháp đồng bộ để khai thác, sử dụng, quản lý sao cho hợp lý và hiệu quả hơn.

Theo đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ mới đây, việc tận dụng vị trí dạ cầu để tổ chức các bãi trông xe, hoạt động thể dục thể thao phục vụ mục đích công cộng sẽ góp phần giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân thành phố, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Như vậy, cần bổ sung quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc khai thác, sử dụng gầm cầu đường bộ, phần không gian dưới dạ cầu cạn đối với các hệ thống đường bộ do địa phương chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo trì để làm bãi đỗ xe, đường giao thông, kho chứa vật tư phục vụ bảo trì công trình đường bộ và các hoạt động khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Việc khai thác và sử dụng không được làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu của công trình đường, đường bộ, cầu, đảm bảo về phòng chống cháy nổ và không gây mất trật tự an toàn giao thông.

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load