(Xây dựng) - Sau gần 3 tháng thí điểm, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã triển khai 64 điểm đỗ xe thí điểm thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt. Mặc dù gặp phải một số vấn đề cần phải khắc phục, song mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt với người dân, Nhà nước và các doanh nghiệp.
Việc chuyển đổi sang hình thức không dùng tiền mặt khi gửi xe mang lại nhiều lợi ích. |
Không còn nỗi sợ "chặt chém" giá phí trông xe
Để minh bạch hoạt động thu phí trông giữ xe, đảm bảo quyền lợi cho người dân, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt. Từ ngày 15/4 đến nay, sau gần 3 tháng triển khai, loại hình này đã cho thấy hiệu quả khả quan và được người dân đồng tình ủng hộ; từng bước xây dựng thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giao thông.
Theo ghi nhận của phóng viên, trước cổng Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nơi đây luôn xếp kín xe máy, lực lượng chức năng đã đặt biển báo triển khai mô hình thu phí không dùng tiền mặt.
Theo đó, người dân khi gửi xe sẽ được nhân viên cấp vé có sẵn mã QR, nhân viên viết biển số xe vào đó, khi quét mã QR này sẽ có thông tin đơn vị thụ hưởng là Công ty cổ phần VETC, phí trông giữ chỉ 4.909 đồng đã bao gồm VAT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nếu xảy ra lỗi thiết bị, người dân vẫn có thể thanh toán bằng tiền mặt.
Đối với xe máy, người dân thanh toán phí trông giữ xe bằng hình thức quét mã QR. |
Đánh giá cao việc thanh toán không dùng tiền mặt cho các phương tiện khi gửi xe, anh P. T (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy gửi xe ở bãi thu phí không dùng tiền mặt rất tiện, chi phí rẻ hơn một số bãi trông xe khác ở cạnh. Lần này, tôi gửi gần 5.000 đồng/lượt trong khi tháng trước tôi đưa mẹ ra Bệnh viện Việt Đức khám phải gửi ở bãi khác 10.000 đồng/lượt. Như thế này, chúng tôi không còn lo sợ bị chặt chém, hay nhập nhằng về mức phí”.
Tương tự tại điểm trông giữ xe ga Cát Linh – Hà Đông, việc gửi xe diễn ra tương đối suôn sẻ. Sau một tháng, khách hàng đi xe máy đã dần quen với việc thanh toán qua mã QR. Chị M.T (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường xuyên gửi xe để đi tàu điện đi làm vào các ngày trong tuần. Quá trình gửi xe và thanh toán diễn ra thuận tiện, không gặp bất kỳ trở ngại nào. Trước đây, có nhiều lần tôi không mang theo tiền mặt, cũng không có cây ATM nào gần đó nên phải nhờ người xung quanh chuyển khoản rồi lấy tiền mặt để thanh toán tiền gửi xe. Do đó, tôi thấy việc thanh toán không dùng tiền mặt rất tiện lợi và linh hoạt. Có hôm tôi thanh toán luôn khi lấy vé, có hôm vội đi làm quá nên lúc về mới thanh toán tiền gửi”.
Việc trông giữ xe thanh toán không dùng tiền mặt mang đến 3 lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp, người dân đó là: "Minh bạch - Thuận tiện - Văn minh hiện đại". |
Cũng cùng nhận định những thuận lợi, anh M.T (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: "Việc áp dụng công nghệ thanh toán bằng mã QR tại các điểm trông giữ xe là rất cần thiết và thiết thực, nên được nhân rộng trên toàn địa bàn. Qua trải nghiệm gửi xe tôi cho rằng các điểm trông giữ sẽ thu đúng giá, công khai minh bạch đối với người dân khi hệ thống điện tử tính giờ sau đó tính tiền. Vậy nên tôi luôn chọn các điểm này để gửi xe”.
Việc áp dụng hình thức trông giữ xe không dùng tiền mặt mang đến nhiều lợi ích trong công tác quản lý điều hành, trông giữ phương tiện. Tuy nhiên, khảo sát tại một số điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, phóng viên cũng ghi nhận phương thức thanh toán này còn tồn tại một số hạn chế, đặc biệt là về tốc độ thanh toán.
Theo ông T.N - nhân viên tại một điểm trông giữ xe ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ: Bất cập lớn nhất của hình thức thanh toán này là thời gian thanh toán lâu hơn so với thanh toán bằng tiền mặt. Ví dụ, đối với thanh toán bằng tiền mặt, khách hàng có thể đổi tiền lẻ sẵn và quét thẻ thanh toán ngay khi ra khỏi bãi xe. Tuy nhiên, với hình thức thanh toán chuyển khoản, vào giờ cao điểm, lượng khách ra vào bãi xe đông nên nhiều người gặp khó khăn trong việc thanh toán do thời gian chờ đợi lâu. Ngoài ra, một số người dân cũng gặp khó khăn khi thanh toán bằng mã QR do điện thoại không có kết nối mạng hoặc không có tài khoản ngân hàng.
Sớm giải quyết khó khăn
Thống kê từ Sở Giao thông vận tải Thành phố Hà Nội cho thấy, từ ngày 15/4 đến nay, tại 64 điểm đỗ xe đã có hơn 170.000 lượt giao dịch thanh toán phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt qua hệ thống QR code, ứng dụng VETC, ePass và MTC (đạt 90% tổng số lượt giao dịch), tổng số tiền giao dịch hơn 2,1 tỷ đồng. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đối với xe ôtô đạt 98% và đối với xe máy đạt 87%.
Số liệu trên cho thấy tỷ lệ thanh toán không tiền mặt khá cao, tuy nhiên, theo nhận định của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hà Nội, hiện nay việc ứng dụng mô hình vẫn còn một số vướng mắc như: Hệ thống công nghệ, máy quét biển số vẫn còn bất cập, lỗi hoặc treo; nhiều người dân vẫn quen với việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày, đặc biệt là người lớn tuổi, có tâm lý e ngại khi sử dụng công nghệ mới...; Với xe máy, giá vé thấp dưới 10.000 đồng/xe, một số ngân hàng chưa hỗ trợ thanh toán; Chưa có chế tài xử lý hành vi vi phạm đỗ quá giờ, không chấp hành thu và trả phí không dùng tiền mặt.
UBND Thành phố Hà Nội khuyến khích các quận, huyện triển khai, mở rộng phạm vi ứng dụng trông giữ xe không sử dụng tiền mặt trên địa bàn. |
Để nâng cao hiệu quả của việc thí điểm thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố, ngày 9/7, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát tổng thể quy hoạch điểm, bãi trông giữ xe. Theo đó, Sở Giao thông vận tải sẽ hoàn thành việc đánh giá tình hình cấp phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe có thu phí trên địa bàn thành phố trong tháng 8/2024.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hà Nội tiến hành rà soát toàn bộ đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan, kịp thời giải quyết đối với nội dung thuộc thẩm quyền. Với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, đơn vị chủ động đề xuất, kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết.
Diệu Linh
Theo