(Xây dựng) - Mặc dù tỷ lệ dân đô thị được cấp nước khá cao nhưng Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch, nhất là vào những tháng cao điểm. Trong khi đó, nhiều dự án cấp nước đang xây dựng, tiến độ vẫn ở trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”. Thực tế đó đòi hỏi chính quyền TP phải có những giải pháp cụ thể để giải tỏa nỗi lo thiếu nước sạch hiện nay.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).
Nhiều nơi vẫn “trắng” nước sạch
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, sản lượng nước sạch hiện tại của TP mới đạt 940 nghìn m3/ngđ, trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch của Hà Nội đến năm 2020 khoảng 1,6 triệu m3/ngđ và đến năm 2030 dự kiến là 2,4 triệu m3/ngđ.
Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nội thành Hà Nội đáp ứng được gần 100% nhu cầu sử dụng, tuy nhiên chất lượng nước và áp lực nước tại nhiều khu vực vẫn chưa đảm bảo. Đặc biệt, vào các mùa cao điểm nắng nóng, hoặc vỡ đường ống nước, khả năng thiếu nước sạch là hiện hữu. Còn ở ngoại thành, các nhà máy nước sạch chỉ đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu sử dụng của người dân.
Theo thống kê, khu vực nông thôn Hà Nội gồm có 416 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 17 huyện và thị xã Sơn Tây với tổng dân số khoảng 4,3 triệu người. Đến hết năm 2017, có 175 xã được cấp nước với khoảng 2,1 triệu người, nâng tỷ lệ cấp nước lên khoảng 49,4%. Thực tế này còn rất xa so với mục tiêu 100% người dân Thủ đô sẽ được dùng nước sạch đạt tiêu chuẩn vào năm 2020 mà TP đề ra.
Thực tế thời gian qua, nhiều người dân tại các huyện như Đan Phượng, Mê Linh, Gia Lâm hay Chương Mỹ vẫn có nhiều xã “trắng” nước sạch. Con số người dân nông thôn chưa được tiếp cận nước sạch vào khoảng 2,7 triệu người.
Khảo sát trên địa bàn huyện Chương Mỹ với hơn 80 nghìn hộ dân cho thấy, mới chỉ có 17 nghìn hộ được sử dụng nước sạch hoặc được đấu nối với đường ống cấp nước. Cả huyện có 13 công trình cấp nước nhưng chỉ có 4 công trình đang hoạt động, 6 công trình đang xây dựng dở dang và 3 hệ thống cấp nước đã hư hỏng, không thể sử dụng.
Tại huyện Đan Phượng, mạng lưới nước sạch mới chỉ đến với 5 xã, thị trấn, còn lại 11 xã vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại huyện Mê Linh với con số khoảng hơn 6.000 hộ được cấp nước sạch, chiếm khoảng 10 % số dân toàn huyện.
Huyện Gia Lâm, dù rất nỗ lực mới đạt được kết quả 18/22 xã, thị trấn đã được cấp nước sạch, chiếm hơn 70,1% số dân. Tuy nhiên, ở một số xã, tiếng là nước sạch đã về đến nơi nhưng người dân lại chưa được dùng do dự án chậm tiến độ.
Tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ
Theo ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội thì vướng mắc trong GPMB là một trong những lý do khiến các dự án cấp nước sạch ở Hà Nội chậm tiến độ thời gian qua. Ngoài ra, phải kể đến các nguyên nhân khác như nhà đầu tư không đủ năng lực, việc bàn giao công trình Nhà nước đầu tư cho DN tiếp quản còn chậm…
Còn theo UBND TP Hà Nội, TP đang triển khai 11 dự án cấp nước nhưng có tới 6 dự án chậm trễ. Trong đó, điển hình là dự án xây trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức) do Cty CP Đầu tư phát triển công nghệ cao Minh Quân làm chủ đầu tư. Năm 2013 dự án đã hoàn thành nhà máy nhưng đến 2016 lại tạm dừng. UBND TP đã chỉ đạo Cty Nước sạch Hà Đông tiếp nhận để đến 2019 cấp nước sạch cho các xã của Mỹ Đức. Nhưng đến nay đã 6 năm kể từ khi hoàn thành dự nhà máy, dự án vẫn dang dở, một số hạng mục xuống cấp...
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cũng thừa nhận, khó khăn trong GPMB là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ của các dự án thời gian qua. Ông Dục dẫn chứng tại một số xã ở huyện Chương Mỹ, Mê Linh, dân cư thưa thớt, địa hình phức tạp, người dân lại không đồng thuận bàn giao mặt bằng do lo ngại ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng. Ngoài ra, việc “dung túng” trong xử lý nguồn vốn Nhà nước sang xã hội hóa, năng lực chủ đầu tư và một số DN còn hạn chế cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án nước sạch. Thực tế đó đòi hỏi Hà Nội cần tính đến các giải pháp đảm bảo nguồn cung nước sạch cho người dân trong giai đoạn trước mắt, đồng thời tính cách tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tiến độ các dự án đang “ì ạch”.
Theo đó, ông Lê Văn Dục cho biết, TP sẽ đưa công suất nhà máy sông Đuống lên 16 nghìn m3/ngđ, nhà máy nước mặt Quan Sơn lên 10 nghìn m3/ngđ. Với trạm Mỹ Đức, Sở đã thống nhất nhà đầu tư Aquaone cuối quý III/2019 khởi công hợp phần Xuân Mai, quý I/2021 hợp phần này sẽ đưa nước qua đường 6 từ Hòa Bình về, hợp khối toàn bộ trục. Với địa bàn Phúc Thọ, Sở Xây dựng tham mưu và TP đã giao chủ đầu tư khác có đủ điều kiện triển khai, đơn vị đã lên phương án thiết kế...
PV
Theo