(Xây dựng) – Chính phủ vừa trình Quốc hội phương án lập 2 thành phố trực thuộc Thủ đô gồm: Thành phố logistics, dịch vụ ở Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Thành phố giáo dục, đào tạo, khoa học ở vùng Hòa Lạc, Xuân Mai.
Đề xuất 2 thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội. |
Đề xuất bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa có tờ trình dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gửi Quốc hội.
Mục tiêu dự án luật tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước cùng phát triển.
Về quy định chính quyền tại Thủ đô, Chính phủ đề xuất thực hiện mô hình tổ chức chính quyền Thành phố Hà Nội theo hướng không tổ chức HĐND phường.
Quy định này dựa trên cơ sở kết quả sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội. Báo cáo sơ kết về kết quả thực hiện thí điểm mô hình này cho thấy mô hình này đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế.
Hà Nội đề xuất quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026, không tổ chức HĐND phường, đồng thời bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc Thành phố Hà Nội.
Quy định cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND Thành phố thuộc Thành phố Hà Nội dự kiến được thành lập theo định hướng tại Nghị quyết số 15 của Trung ương về xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô.
Theo đó, ở Hà Nội dự kiến có: Khu vực phía Bắc là thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); khu phía Tây là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
Những khu vực này sẽ có đặc thù vượt trội so với cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, như tăng số lượng phó Chủ tịch HĐND (từ 1 lên 2), tăng số lượng phó Chủ tịch UBND (từ 3 lên 4), tăng đại biểu HĐND chuyên trách (từ 6 lên 9).
Để tăng cường tổ chức bộ máy của HĐND Thành phố Hà Nội, Chính phủ đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND từ 95 đại biểu lên 125 người; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách từ 20% lên 25%.
Theo lý giải, Hà Nội là một trong hai địa phương có quy mô dân số đông nhất cả nước với tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức 1,4%/năm; số lượng người cư trú thường xuyên và làm việc tại Hà Nội khoảng trên 10 triệu người.
Với số lượng 95 đại biểu HĐND thành phố như hiện nay, bình quân 105.000 người dân/đại biểu, thấp hơn bình quân chung cả nước (26.500 người dân/đại biểu). Nếu không đủ số lượng đại biểu HĐND thì không bảo đảm được tính đại diện, quyền lợi của cử tri và nhân dân Thủ đô. Bên cạnh đó, số lượng phó Chủ tịch HĐND cũng được đề xuất tăng từ 2 lên 3 người.
Tăng thêm 30 đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội
Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Số lượng đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 là 95 đại biểu. Trong đó có 19 đại biểu chuyên trách, chiếm tỷ lệ 20%, bao gồm Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội, 2 phó Chủ tịch, 4 Trưởng ban, 8 phó Trưởng ban và 4 ủy viên chuyên trách của cả 4 Ban HĐND Thành phố.
"Nếu tăng số lượng đại biểu HĐND lên 125 đại biểu và ít nhất 25% đại biểu chuyên trách, số đại biểu tăng thêm là 30 đại biểu, trong đó tăng thêm khoảng 13 đại biểu chuyên trách", theo tính toán của Bộ Tư pháp.
Về mặt kinh tế, Bộ Tư pháp cho hay: Tổng số kinh phí phải chi trả cho 30 đại biểu tăng thêm là hơn 4,7 tỷ đồng/năm (chưa tính chi phí tiền lương).
Theo Bộ Tư pháp, mặc dù phải chi trả thêm hơn 4,7 tỷ đồng/năm, nếu không tổ chức HĐND tại các phường thì nhiệm kỳ 2026-2031, số đại biểu HĐND các cấp của Thành phố Hà Nội sẽ ít hơn so với quy định khoảng trên 7.000 đại biểu.
"Do đó, việc bố trí kinh phí hoạt động cho HĐND các cấp, về bản chất sẽ tiếp tục được giảm, tiết kiệm hơn rất nhiều" - Bộ Tư pháp nhận định.
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp nhấn mạnh việc tăng thêm 30 đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội (trong đó có 13 đại biểu chuyên trách) sẽ không làm phát sinh thêm ngân sách của Thành phố trong điều kiện tiếp tục không tổ chức HĐND phường.
Tiến Hào
Theo