Thứ bảy 21/09/2024 05:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Hà Nội: Đội Quản lý trật tư xây dựng đô thị hình thành như thế nào?

13:37 | 07/08/2023

(Xây dựng) – Thời gian qua, mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Hà Nội góp phần chuyển biến tích cực trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô. Cùng nhìn lại quá trình hình thành mô hình đang được đánh giá có hiệu quả này.

Hà Nội: Đội Quản lý trật tư xây dựng đô thị hình thành như thế nào?
Mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Hà Nội giúp các công trình xây dựng được kiểm soát, nhiều vi phạm được phát hiện kịp thời.

Khởi nguồn từ thí điểm mô hình Thanh tra xây dựng

Giữa những năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 100/2002/QĐ-TTg, ngày 24/7/2002 ban hành thí điểm thành lập Thanh tra chuyên ngành Xây dựng Thành phố Hà Nội. Mô hình lúc bấy giờ hoạt động, tổ chức theo 2 cấp gồm: Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội (cấp thành phố) và Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã (cấp huyện). Các cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng, đô thị được bố trí ở xã, phường và thị trấn.

Sau đó gần 05 năm, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục mở rộng thí điểm mô hình này với Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 (Quyết định số 89) thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Lúc này, mô hình Thanh tra xây dựng tại Hà Nội được tổ chức, hoạt động theo 3 cấp với phạm vi và chức năng rõ ràng, gồm: Cấp Sở; cấp quận, huyện và cấp phường, xã, thị trấn.

Thanh tra Sở Xây dựng sẽ thực hiện thanh tra chuyên ngành, tổng hợp, báo cáo tình hình quản lý trật tự xây dựng, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng Thanh tra xây dựng.

Còn mô hình ở cấp huyện, xã triển khai, thực hiện nhiệm vụ quản lý trực tiếp công tác trật tự xây dựng trên địa bàn. Đồng thời phối hợp giải quyết công việc như: Giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và các nhiệm vụ chính trị tại địa phương theo chỉ đạo của UBND cùng cấp.

Việc thí điểm thành lập hệ thống Thanh tra chuyên ngành Xây dựng tại hai thành phố lớn là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn lúc bấy giờ, đáp ứng nhu cầu quản lý trật tự đô thị trong tình hình mới. Quyết định số 89 được coi là căn cứ pháp lý quan trọng giúp cho việc kiểm tra xử lý các vi phạm trật tự xây dựng đô thị được tăng cường theo hướng kiên quyết, triệt để. Công tác này được coi trọng hơn, do vậy, hầu hết các công trình xây dựng không phép, sai phép đã được phát hiện và ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh. Vì vậy, các chủ đầu tư đã từng bước nâng cao được nhận thức và có ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng, thực hiện xin phép xây dựng theo các quy định về quản lý đầu tư xây dựng; hoạt động quản lý, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tham quản lý trật tự xây dựng tại địa phương cũng được nâng lên.

Sau 10 năm triển khai thí điểm mô hình này, qua tổng kết, đánh giá cho thấy, lực lượng thanh tra xây dựng cấp huyện, cấp xã đã làm tốt nhiệm vụ được giao. Đây thực sự là lực lượng chủ đạo giúp chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, đất đai, GPMB trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ tích cực công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực phụ trách. Mô hình thí điểm này tiền đề cho việc hình thành lực lượng Thanh tra xây dựng chính quy tại các quận, huyện, xã phường sau này.

Các Đội Thanh tra xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng

Sau khi Luật Thanh tra 2010 có hiệu lực, Thủ tướng chỉ đạo phải nghiên cứu, đề xuất phương án sắp xếp lại lực lượng Thanh tra xây dựng đang được tổ chức theo Quyết định số 89. Sau khi phân tích, đánh giá các phương án Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ đã thống nhất lựa chọn phương án sáp nhập lực lượng này vào Thanh tra Sở Xây dựng.

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, thời điểm đó đây là phương án có nhiều thuận lợi, có tính ổn định cao, không gây xáo trộn về tổ chức, không phát sinh thêm đầu mối; đảm bảo được chức năng, nhiệm vụ của lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Đồng thời cũng phù hợp tình hình thực tế tại hai đô thị lớn nhất cả nước là cần có lực lượng Thanh tra xây dựng bám sát cơ sở để duy trì thường xuyên, liên tục hoạt động thanh tra, kiểm tra, đảm bảo trật tự xây dựng đô thị, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng.

Đến ngày 29/3/2013, khi Nghị định số 26/2013/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành (Nghị định số 26) có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, mô hình Thanh tra xây dựng của Hà Nội được tổ chức trên cơ sở kiện toàn Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội (cũ) và lực lượng Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã (gọi chung là cấp huyện).

Tại Hà Nội, các Đội Thanh tra xây dựng cấp huyện trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng được bố trí rộng khắp trên 30 quận, huyện, thị xã và thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng theo khu vực, địa bàn. Các Đội được phép sử dụng con dấu riêng để thực thi công vụ và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện theo Nghị định số 26, UBND Thành phố Hà Nội nhận thấy, trong quá trình tổ chức và hoạt động theo mô hình mới, lực lượng Thanh tra xây dựng đã bộc lộ nhiều vướng mắc và hạn chế như: Chưa gắn kết phát huy vai trò trách nhiệm của chính quyền quận, huyện, thị xã, xã phường, thị trấn. Một số nơi vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Đặc biệt, có nhiều vụ vi phạm trật tự xây dựng đô thị xảy ra, diễn biễn phức tạp, gây dự luận không tốt trong quần chúng nhân dân.

Đúng là với mô hình giai đoạn này, lực lượng Thanh tra xây dựng bị đẩy vào tình thế bị động, chồng chéo trong việc chỉ đạo, điều hành Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã (giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND cấp huyện) dẫn đến không sâu sát cơ sở kịp thời, bên cạnh một chính quyền địa phương nới lỏng quản lý do không có nhân sự để triển khai. Ngoài ra, việc quản lý khen thưởng, kỷ luật, động viên, bổ nhiệm, miễn nhiệm... cán bộ, công chức, lao động hợp đồng tại các Đội cũng rất vướng về cơ chế, pháp lý.

Mô hình Đội quản lý trật tự xây dựng trực thuộc cấp huyện

Công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội đến giai đoạn này đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ của lực lượng thanh tra xây dựng. Đồng thời, yêu cầu đặt ra cần phải phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trong nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Ngày 22/6/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2018/QĐ- TTg cho phép Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng trong 24 tháng (kể từ ngày 10/8/2018). Thực chất đây là phương án chuyển giao Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã (thuộc Thanh tra Sở Xây dựng trước đây) về trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã và đổi tên.

Với Quyết định trên, Đội Quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội là tổ chức hành chính trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã; có chức năng tham mưu giúp UBND cấp huyện thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực tự xây dựng đô thị. Đội được trang bị phương tiện làm việc theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo quản lý trực tiếp của UBND cấp huyện và được kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Xây dựng; các Đội có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Đến ngày 10/8/2020, kết thúc thời gian thí điểm, UBND thành phố tiến hành tổng kết và đánh giá mô hình này có nhiều ưu điểm cần tiếp tục được duy trì. Trên cơ sở báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, Thủ tướng đồng ý cho phép tiếp tục thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã đến hết ngày 10/8/2023 (tại Quyết định số 35/2020/QĐ-TTg ngày 09/12/2020).

Đầu năm 2023 vừa qua, tại Hội nghị tổng kết, đánh giá 5 năm triển khai thực hiện mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng trực thuộc UBND cấp huyện, ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng được đánh giá là một mô hình hiệu quả. Bởi sau khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Các công trình xây dựng được kiểm soát, các vi phạm được phát hiện kịp thời.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xức dư luận cũng dần được hạn chế. Các công trình vi phạm tồn đọng đã được rà soát, phân loại, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đô thị từng bước được nâng cao. Các công trình vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng dần được giảm thiểu về số lượng và quy mô.

Thực tế cho thấy, việc tiếp tục thí điểm mô hình này sẽ giúp các quận, huyện, thị xã có một đơn vị chuyên trách kiểm tra, đảm bảo tính khách quan trong việc thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về xây dựng Thành phố văn minh, trật tự đô thị theo Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố giai đoạn 2021-2025.

Ngày 26/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP đồng ý kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Thành phố Hà Nội cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền về mô hình tổ chức quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Thành phố Hà Nội.

Hà Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load