Thứ bảy 20/04/2024 13:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội đẩy mạnh giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa

14:35 | 01/03/2021

(Xây dựng) - Rác thải nhựa là mối nguy hại đối với môi trường sống và sức khỏe của con người. Các giải pháp đang được Thành phố Hà Nội thực hiện mạnh mẽ nhằm giảm thiểu nhanh chóng lượng rác thải nhựa tại Thủ đô.

ha noi day manh giai phap giam thieu rac thai nhua
Hoạt đông thu gom, đổi rác lấy quà trong một chương trình về rác thải nhựa của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) được người dân hưởng ứng.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đồng loạt triển khai các giải pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu rác thải nhựa.

Thực hiện theo Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 về phòng chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025… và mới đây nhất là Quyết định số 175/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, nhiều chương trình, phong trào thi đua với mục tiêu giảm thiểu và phòng chống rác thải nhựa đã được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội phát động và tổ chức.

Các hoạt động tuyên truyền về hạn chế sử dụng rác thải nhựa nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường như triển lãm, gian hàng trưng bày sản phẩm tái chế, các buổi tuyên truyền… được chú trọng thực hiện tại các quận, huyện, phường, thị xã, các điểm trường học trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, các cấp, các ngành đã mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức với nội dung hạn chế rác thải nhựa, không dùng sản phẩm nhựa dùng một lần, triển khai chương trình phân loại rác...; xây dựng phương án triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn, thu gom, tái chế, vận động người dân cùng tham gia đóng góp, đổi rác tái chế thành quà tặng. Các cơ quan môi trường cũng khuyến khích người dân tiếp tục hành động, tái sử dụng đồ nhựa thay vì dùng một lần rồi vứt đi, có thể tái chế thành đồ dùng trang trí,

Nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã cắt giảm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, thay bằng cốc và bình nước thủy tinh, hạn chế việc sử dụng túi nhựa đựng tài liệu, văn bản, giấy tờ…

Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19, hàng quán đóng cửa, người dân mua về hoặc mua qua mạng khiến lượng rác thải nhựa tăng cao, các đơn vị, các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện giải pháp mạnh mẽ, kiên quyết để giải quyết vấn đề rác thải nhựa một cách triệt để. Đồng thời, cần có sự chung tay vào cuộc, góp sức của cả cộng đồng, tổ chức, cá nhân, mà trong đó tiên phong là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan cần tiếp tục thực hiện giải pháp mạnh mẽ, duy trì hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, giúp người dân hiểu rõ về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường. Đẩy mạnh hoạt động tái chế, phân loại rác thải ngay tại nguồn, vận động người dân tích cực tham gia các chương trình, phong trào, mô hình phòng chống rác thải nhựa. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sản xuất các sản phẩm túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần.

Các tiểu thương, chủ kinh doanh, đặc biệt là những người buôn bán tại chợ dân sinh, chợ truyền thống thực hiện các giải pháp hạn chế đồ nhựa, thay đổi nhận thức của bản thân để hành động, tích cực giảm thiểu lượng rác thải nhựa xả ra môi trường trong buôn bán, kinh doanh. Trong sản xuất, các doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện thay thế cho các sản phẩm bao bì nhựa, cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ tiết kiệm tài nguyên, ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.

Mặt khác, chính người dân cũng phải nâng cao và thay đổi nhận thức của mình. Thay vì sử dụng túi nilon, đồ dùng bằng nhựa và thải ra môi trường lượng lớn rác thải nhựa, người dân cần tham gia tích cực vào các buổi tuyên truyền để hiểu rõ hơn về mối nguy hại do rác thải nhựa. Từ đó áp dụng vào thực tế, thay đổi thói quen dùng đồ nhựa, chuyển sang đựng đồ bằng túi thân thiện với môi trường, từ chối dùng đồ nhựa, túi nilon khi đi ăn uống, mua sắm.

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load